Chợ phiên Cao Bằng từ lâu đã là một nét văn hóa đặc trưng, mang đậm màu sắc của vùng cao Đông Bắc, điều này thu hút rất nhiều những người ưa phiêu lưu, khám phá đến thăm mảnh đất này. Hôm nay, hãy cùng Digiticket điểm sơ qua vài nét về những phiên chợ này nhé.
Vài nét về chợ phiên Cao Bằng
Chợ là một nơi thể hiện tất thảy những phong tục, tập quán của một vùng miền nào đó. Ở miền Tây có chợ nổi, ở miền Trung có chợ đặc sản thì tại các tỉnh vùng cao lại có chợ phiên là một nét đẹp truyền thống không thể phai mờ.
Sở dĩ gọi bằng chợ phiên là vì những lần họp chợ này không diễn ra hằng ngày như ở miền xuôi mà thường theo tuần, theo tháng, tùy từng địa phương.
Ảnh: @__3rd.aprill
Chợ phiên Cao Bằng ôm hết vào mình những nét đẹp của vùng núi cao. Tại chợ phiên, người ta đem ra bày bán những thứ đa phần là nhà trồng như: khoai, ngô, sắn, rau, mật ong, nấm rơm,.... các nhu yếu phẩm, quần áo, tất tần tật đều có thể tìm thấy tại những phiên chợ này.
Người người bày ra các món đồ trên một sạp hoặc tấm bạt đơn sơ làm cho khung cảnh trở nên nhộn nhịp hơn rất nhiều.
Ngoài ra, chợ còn là nơi bày bán những món ăn ẩm thực đặc trưng. Người này người kia chào hỏi, ríu rít nói chuyện, trao nhau những cái bắt tay thân mật, phải đến phiên chợ thì bạn mới có thể cảm hết được cái tình của người dân.
Ảnh: @farwegotravelvietnam
Chơi gì tại chợ phiên Cao Bằng
Ghé thăm chợ phiên, đừng bỏ qua các hoạt động dưới đây nhé:Giao lưu, chuyện trò cùng dân bản địa
Đi du ngoạn một nơi nào đó, ngoài việc thăm thú cảnh đẹp, tìm hiểu về ẩm thực thì giao lưu với người dân địa phương cũng là điều vô cùng thích thú.
Thông qua những câu chuyện chia sẻ bạn sẽ hiểu hơn về phong tục, tập quán và đời sống người dân hơn.
Ảnh: @farwegotravelvietnam
Thưởng thức đặc sản Cao Bằng
Ở các phiên chợ đều sẽ có các sạp hàng quán ăn, có thể là đợi tới chợ phiên mới mở nhưng đa phần là những quán cố định và bán từ phiên chợ này đến phiên chợ khác. Nếu bạn đi đúng vào những dịp sắp lễ thì sẽ được ăn các món ăn dành cho lễ hội truyền thống nữa đấy.
Ghé thăm chợ phiên Cao Bằng, bạn nên thử các món ăn đặc sản như:
- Vịt quay 7 vị: gọi là món vịt quay 7 vị vì người Cao Bằng đã dùng 7 loại gia vị khác nhau để ướp món thịt vịt. Vịt chín vàng thơm mùi mật ong, dậy mùi béo sẽ làm ai cũng phải chảy nước miếng khi dùng.
- Phở chua: bánh phở dai làm từ gạo dẻo địa phương cộng với thịt ba chỉ, khoai tàu, gan lợn, rau, nước dùng chua thơm phức tỏi phi... sẽ làm bạn nhớ mãi không thể quên.
Ảnh: Sưu tầm
- Bánh trứng kiến: được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả với phương thức chế biến an toàn, bánh làm xong thơm mùi của lá vả non thanh dịu cộng với ngậy của trứng và bột.
- Lợn sữa nướng: lợn sữa là lợn con trong giai đoạn bú mẹ, lợn được quay trên lửa hồng, phết mật ong và các loại gia vị khác, thịt lợn sữa ăn thơm dai và giòn tan.
Ngoài ra còn rau dạ hến, bánh áp chao, bò gác bếp, xôi trám,...
Mua quà lưu niệm
Bạn có thể mua các món đồ lưu niệm như thổ cẩm, quần áo dân tộc, đồ tre nứa,... Hoặc các món đặc sản chuyên mua làm quà như: miến dong Phia Đén, hạt dẻ Trùng Khánh, lạp xưởng hun khói, mận Bảo Lạc, lê Đông Khê,...
Ảnh: Sưu tầm
Một số chợ phiên Cao Bằng lớn nhất
Ngoài thành phố Cao Bằng thì tỉnh này còn có 11 huyện khác lần lượt là: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Phục Hòa, Thạch An, Trà Lĩnh, Trùng Khánh. Ngoại trừ trung tâm thành phố, thì các huyện đa phần đều có từ 4 phiên chợ họp vào những ngày khác nhau trong một tháng.
Vì các chợ khá giống nhau về cách thức tổ chức nên bài viết sẽ đưa ra chi tiết cụ thể về 3 chợ phiên Cao Bằng lớn, đặc sắc và nổi tiếng nhất:
Chợ phiên Nước Hai
Ngày họp chợ vào ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch tại huyện Tuy Hòa, cứ cách 5 ngày lại có một phiên chợ theo đuôi số 3 và 8.
Chợ phiên Cao Bằng này là chợ phiên có quy mô rộng lớn nhất và cũng nổi tiếng nhất. Nếu lướt một vòng Youtube thì các bạn sẽ nhận ra đây là khu chợ xuất hiện nhiều nhất nếu bạn tra từ khóa "chợ phiên Cao Bằng".
Ảnh: @moclago
Ghé chợ phiên Nước Hai, bạn sẽ thoải sức khám phá các gian hàng, các món đồ buôn bán truyền thống của người dân Cao Bằng. Lắng nghe và cảm nhận một nhịp sống nhộn nhịp của vùng cao, rất khác với tưởng tượng từ trước đến giờ rằng - các tỉnh Đông Bắc luôn là những nơi buồn tẻ chỉ có núi với rừng.
Chợ phiên Trùng Khánh
Ngày họp chợ vào ngày mùng 5, 10, 15, 20, 25 âm lịch tại huyện Trùng Khánh, phiên chợ theo đuôi 5 và 10.
Cái tên này đã từng gây xôn xao cộng đồng mạng vì "Trùng Khánh là thành phố nổi tiếng của Trung Quốc mà?", tuy nhiên ở Việt Nam, ngay Cao Bằng chúng ta cũng có huyện Trùng Khánh nhé.
Tại đây, các bạn có thể thưởng thức món vịt quay Trùng Khánh nổi tiếng và thăm thú phiên chợ "xách lợn" - phiên chợ trao đổi lợn nhiều nhất Cao Bằng đầy thú vị nhé.
Ảnh: @christabellinh
Chợ phiên Trà Lĩnh
Ngày họp chợ vào ngày mùng 4, 9, 14, 19, 24 29 âm lịch tại huyện Trà Lĩnh, phiên chợ với đuôi số 4 và 9.
Nếu nói Trùng Khánh là phiên chợ "xách lợn" lớn nhất thì Trà Lĩnh là phiên chợ "trâu bò" với số lượng khủng nhất. Vào những ngày họp chợ cao điểm, có khi bán được 1000 con trâu bò khác nhau, thương lái từ khắp tơi tụ lại để chọn trâu bò về kéo cày hay nuôi lấy thịt.
Bạn sẽ được chứng kiến một khung cảnh hết sức "lạ" vì trâu bò còn đông hơn cả người đi chợ và nhớ là đừng mặc đồ đỏ nếu thăm chợ phiên Trà Lĩnh nhé.
Ảnh: Sưu tầm
Ghé mảnh đất chịu thương chịu khó này, khám phá những dịp chợ phiên Cao Bằng để hiểu hơn về một nét văn hóa truyền thống khác biệt với cả miền Tây, miền Nam, Trung. Thế mới thấy, thế giới xung quanh rộng lớn biết nhường nào và còn rất nhiều điều chờ đợi chúng ta lên đường khám phá!