Côn Sơn Kiếp Bạc không chỉ được biết đến như là một điểm tham quan hút khách, đây còn là cụm di tích có giá trị lịch sử to lớn gắn liền với cuộc đời của vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và đại thi hào Nguyễn Trãi. Cùng Digiticket tìm hiểu trọn bộ bí kíp tham quan Côn Sơn - Kiếp Bạc chi tiết nhé!
1. Cụm di tích Côn Sơn Kiếp Bạc ở đâu?
- Vị trí: phường Cộng Hòa - huyện Chí Linh - tỉnh Hải Dương
Côn Sơn Kiếp Bạc tọa lạc tại một thung lũng trù phú thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bao bọc nơi này là hai dãy núi Phượng Hoàng - Kỳ Lân vô cùng tráng lệ với núi đá mấp mô, rừng thông trùng điệp, suối chảy quanh năm và chùa tháp cổ kính. Đây được xem là vùng đất "địa linh nhân kiệt" gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của những vị hào kiệt tài đức vẹn toàn.
Ảnh: sưu tầm
2. Khái quát về lịch sử cụm di tích Côn Sơn Kiếp Bạc
"Kiếp Bạc hữu sơn gia kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh"
Côn Sơn Kiếp Bạc là cụm di tích quốc gia trọng yếu của nước ta. Địa danh này gắn liền với chiến tích lừng lẫy của quân dân nhà Trần trong trận chiến chống quân Mông Nguyên vào thế kỷ XIII. Đây cũng là chứng nhân lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh kéo dài suốt 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn. Và cũng là nơi gắn liền với những năm tháng ở ẩn của đại thi hào Nguyễn Trãi.
Trải qua hơn 700 năm lịch sử, Côn Sơn Kiếp Bạc như một minh chứng sống động cho lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và sự hy sinh to lớn của cha ông trong sự nghiệp gây dựng và gìn giữ giang sơn.
Ảnh: sưu tầm
3. Đường đi đến Côn Sơn Kiếp Bạc
Khu di tích gồm 2 khu vực chính là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc. Khoảng cách từ Hà Nội đến đây khoảng 90km, có thể đi bằng xe máy hoặc xe khách rất thuận tiện.
Tham quan Côn Sơn Kiếp Bạc bằng xe máy, ô tô
Xe máy là phương thức di chuyển linh hoạt và tiết kiệm mà bạn có thể cân nhắc. Xuất phát từ cầu Thanh Trì bạn đi thẳng đến đường số 1, tiếp tục rẽ sang đường số 18 theo hướng Phả Lải. Sau khi đến cầu Phả Lải bạn đi thêm quãng đường 50km đến ngã ba Sao Đỏ và đi thẳng theo hướng Quảng Ninh. Dọc đường đi bạn sẽ thấy biển báo chỉ hướng Côn Sơn Kiếp Bạc. Tại đây bạn chỉ cần men theo chỉ dẫn là đến nơi.
Ảnh: sưu tầm
Tham quan Côn Sơn Kiếp Bạc bằng xe khách
Nếu ngại đường xa nắng gió thì bạn cũng có thể chọn xe khách để làm phương tiện di chuyển. Từ bến xe Mỹ Đình bạn chọn tuyến Hà Nội - Quảng Ninh với mức giá dao động trong khoảng 70k-100k/lượt tùy từng nhà xe và thời điểm. Bạn lưu ý nhắc nhà xe cho xuống tại điểm vào cụm di tích. Từ đây bạn thuê xe ôm hoặc ngồi taxi để đến nơi.
Ảnh: sưu tầm
4. Những hoạt động thú vị khi đến Côn Sơn Kiếp Bạc
Bên cạnh nét đẹp trang nghiêm u tịch hòa quyện hài hòa với khung cảnh thiên nhiên tươi tắn thanh bình, cụm di tích Côn Sơn Kiếp Bạc còn là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút hàng chục ngàn du khách thăm viếng mỗi năm. Sau đây là những hoạt động đặc sắc không thể bỏ lỡ trong chuyến tham quan vùng đất "địa linh nhân kiệt" này.
Ảnh: sưu tầm
Địa điểm cầu an linh thiêng
Côn Sơn Kiếp Bạc là nơi thờ phụng những vị hiền tài bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Vì thế mà người ta cho rằng vùng đất này hội tụ đủ linh - khí - nghĩa vô cùng linh thiêng. Nhiều người tin rằng nếu phát tâm cầu nguyện thì phép màu sẽ sớm xuất hiện.
Nếu muốn cầu công danh, thăng tiến, trí huệ sáng suốt công minh thì xin ấn “Quốc Pháp Đại Vương” hoặc “Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn”. Riêng những ai muốn cầu tự - xin lộc con cái hoặc muốn được ban phước lành thì thì xin ấn “Vạn Dược Linh Phù”. Ngoài ra ấn “Phi thiên thần kiếm linh phù” dùng để trừ tà ma hay bệnh tật.
Ảnh: sưu tầm
Chiêm bái các ngôi đền, chùa nổi tiếng
Sau khi dâng hương và thành tâm cúng bái thì bạn đừng bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi đền, chùa có tuổi đời hàng trăm năm.
Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn hay còn được người dân địa phương gọi là Chùa Hun, tên chữ là Thiên Tư Phúc tự. Ngôi chùa được xay dựng vào cuối thế kỷ XIV tọa lạc ngay dưới chân núi Côn Sơn. Chùa Côn Sơn được xây dựng theo lối kiến trúc chữ "Công" với đá tảng hoa sen và ngói mũi hàn.
Bên trong chùa được bố trí nhiều bức tượng Phật lớn cùng 14 bia đá cổ được dựng từ thời Hậu Lê. Dưới tác động của thời gian, Chùa Côn Sơn đã biến đổi ít nhiều nhưng một số nét đặc thù trong lối kiến trúc xưa vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. Nếu có thời gian thì bạn có thể tham quan Bàn Cờ Tiên ở đỉnh Côn Sơn - nơi Nguyễn Trãi cùng các bậc tiền nhân chơi cờ trong lúc nghỉ chân.
Ảnh: sưu tầm
Đền Kiếp Bạc
Cách Chùa Côn Sơn 5km là khu di tích đền Kiếp Bạc. Ngôi đền còn có tên gọi khác như đền Kiếp, đền Vạn Kiếp, đền Trần Hưng Đạo. Theo một số ghi chép thì đây chính là nơi được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn lựa chọn làm điểm đóng quân trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên vào thế kỷ XIII. Đến thế kỷ XIV người dân lập đền Kiếp Bạc để thờ cúng vị anh hùng của dân tộc.
Trong đền Kiếp Bạc là 7 bức tượng thờ được đúc bằng đồng bao gồm tượng Trần Hưng Đạo, vợ và 2 con gái, tượng Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu, bài vị của 4 người con trai và bài vị Yết Kiêu, Dã Tượng. Trước đền Kiếp Bạc là Giếng Ngọc Mắt Rồng vô cùng linh thiêng.
Ảnh: @sưu tầm
Đền thờ Nguyễn Trãi
Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình quan trọng trong cụm di tích Côn Sơn Kiếp Bạc. Ngôi đền được xây dựng ròng rã trong suốt 2500 ngày, tính từ đợt khởi công vào tháng 12/2000.
Đền thờ Nguyễn Trãi có diện tích hơn 10.000 mét vuông với cấu tạo chính gồm gian thờ chính, Tả vu, Hữu vu, Nghi môn nội, Nghi môn Ngoại, Nhà Bia, Am hoá vàng, cầu vào cổng chính, cầu qua suối Côn Sơn, Thạch Bàn, nhà từ đền, hệ thống sân vườn,... Hai bên đền thờ được trồng nhiều hoa và cây xanh tạo cảm giác thư thái, thanh bình cho du khách khi đến đây chiêm bái vãn cảnh.
Ảnh: sưu tầm
5. Các lễ hội tại Côn Sơn Kiếp Bạc
Tại Côn Sơn Kiếp Bạc thường diễn ra lễ hội mùa xuân và mùa thu với nhiều hoạt động tín ngưỡng đặc sắc.
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
Lễ hội mùa xuân được tổ chức từ 16 đến 23 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đây là hoạt động tưởng nhớ ngày viên tịch của Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang tôn giả. Tham quan Côn Sơn Kiếp Bạc vào thời gian này bạn sẽ được hòa mình vào bầu không khí lễ hội sôi động với nhiều nghi thức và các trò chơi dân gian đặc sắc như lễ Mông Sơn thí thực, lễ tế trời đất, đua thuyền, chọi gà, cờ người,...
Ảnh: sưu tầm
Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc
Lễ hội mùa thu diễn ra từ ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hằng năm. Người dân Chí Linh tổ chức lễ hội mùa thu để tưởng niệm ngày mất của vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Ảnh: sưu tầm
Lễ hội diễn ra nhiều nghi thức trang trọng như lễ rước cổ tiến Thánh, lễ cầu an, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần, lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu. Ngoài ra còn có lễ hội hoa đăng và nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.
Ảnh: Quang Nguyên
6. Một số lưu ý khi đến Côn Sơn Kiếp Bạc
Trên đường đi đến cụm di tích:- Khi đến thị trấn Phả Lải có nhiều cảnh sát giao thông Hải Dương, bạn cần chú ý khi đi qua đây
- Cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh bắn tốc độ 40km/h
- Bạn nên lựa chọn trang phục kín đáo, lịch sự, thoải mái
- Nên đi giày thể thao, giày vải, tránh đi giày cao gót vì đường đi phải leo núi và đi bộ khá nhiều
Bên cạnh phong cảnh hùng vĩ hữu tình, Côn Sơn Kiếp Bạc còn là di tích lịch sử quý báu gắn liền với tên tuổi của những hiền tài. Đây cũng là niềm tự hào to lớn của người dân Hải Dương nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Hãy dành thời gian đến tham quan nơi đây để hiểu thêm về lịch sử dân tộc bạn nhé.
Ảnh đại diện: sưu tầm
Tìm hiểu thêm về Ẩm thực Hải Dương:- 10 món đặc sản Hải Dương mua về làm quà
- Top 10 nhà hàng Hải Dương nổi tiếng ngon và rẻ