“Thứ nhất chùa Đức La, thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng” - đây là câu ca dao nổi tiếng mà hầu như người dân Bắc Giang nào cũng biết. Chùa Bổ Đà tuy xếp ở vị trí thứ 2 nhưng từ lâu đã là biểu tượng văn hóa và tượng đài tín ngưỡng không thể đánh đổ. Cùng theo chân Digiticket khám phá về trung tâm Phật giáo chùa Bổ Đà qua bài viết sau đây nhé!
1. Lịch sử về chùa Bổ Đà
Có vị trí đắc địa dựa núi nhìn sông, chùa Bổ Đà được đánh giá là ngôi chùa đẹp và linh thiêng bậc nhất Bắc Giang. Tuy nhiên, để trở thành danh lam cổ tự nổi danh 1 vùng Kinh Bắc qua bao nhiêu thế hệ, chùa Bổ Đà cũng trải qua khoảng thời gian thăng trầm cùng nhiều lần tu bổ, tôn tạo.
Ảnh: @duicon03
Được biết rằng, ngôi chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ 11 dưới thời nhà Lý. Và tên gọi Bổ Đà có nghĩa là ngọn núi nơi Bồ Tát đã hóa hiện để cứu độ chúng sinh. Chùa Bổ Đà còn được biết đến với cái tên chùa Quan Âm.
Trước kia, chùa Bổ Đà là nơi chuyên đào tạo các tăng đồ của thiền phái Lâm Tế. Sau nhiều lần trùng tu, ngày nay ngôi chùa được biết đến là khu di tích có cảnh đẹp mĩ miều và lưu giữ vô vàn những biểu tượng Phật giáo đáng giá. Hiện tại, chùa đang thờ Trúc Lâm tam tổ bao gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.
Ảnh: @thanhloan0720
2. Hướng dẫn di chuyển đến chùa Bổ Đà
Chùa Bổ Đà thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 15 km, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km.
Để đi tới Chùa Bổ, từ Hà Nội, bạn đi thẳng quốc lộ 1A cũ tới thành phố Bắc Ninh, qua cầu Thị Cầu rẽ trái men đê sông Cầu khoảng 3 - 4 km là tới. Hoặc bạn có thể đi đường khác tới Thổ Hà, thẳng hướng Bắc tới làng Lát rẽ phải, chỉ khoảng 3km là tới Chùa Bổ. Quãng đường đến chùa bằng phẳng, dễ đi, không lắt léo nên bạn hoàn toàn có thể đi xe máy hoặc ô tô cá nhân.
Ảnh: @duicon03
3. Kiến trúc chùa Bổ Đà có gì đặc sắc
Không theo đuổi sự nguy nga, tráng lệ, kiến trúc chùa Bổ toát lên sự thanh tịnh, khoáng đạt như chốn Bồng Lai nơi trần thế. Chùa giữ nguyên cốt cách nhà Phật với 4 bộ phận chính: Chùa Cao, am Tam Đức, Chùa Tứ Ân, Vườn Tháp. Các kiến trúc đều sử dụng các vật liệu như gạch nung, ngói, tiểu sành. Kết nối giữa mọi công trình là những dãy hành lang, sân, khuôn viên với tường đất cao, dày cả mét.
Ảnh: @ecoshopxanh
Điều bất ngờ là dù đã tu sửa nhiều lần, chùa Bổ Đà giản đơn với tường đắp đất, tiểu sành toàn bộ khu di tích chứ không thay bằng xi măng, khuôn viên bao phủ bằng đủ loại cây trái, cây cổ thụ sum xuê, đầy lộc giúp tô vẽ thêm vẻ cổ kính, linh thiêng.
Ảnh: @nth.h.u.e
Khi tới thăm chùa Bổ Đà, ngoài việc đắm chìm trong những kiến trúc có chiều sâu, bạn còn có thể trải nghiệm cảm giác thư giãn giữa đất trời. Nhìn về phía Bắc là thấy chân núi Phượng Hoàng, hướng mắt ra xa là toàn cảnh sông Cầu thơ mộng. Cảm tưởng nhịp sống trôi chậm rãi ở chốn linh thiêng, hữu tình chắc chắn là khoảnh khắc đáng nhớ khi tới thăm khu văn hóa bắc sông Cầu.
Ảnh: @yenhoang2104
4. Khám phá các giá trị văn hóa của chùa Bổ Đà
Cùng Digiticket khám phá kho tàng Phật giáo được lưu giữ tại khu di tích chùa Bổ Đà ngay sau đây.
Vườn tháp cổ độc đáo
Vườn tháp chùa Bổ Đà là 1 trong 4 hạng mục chính được cải tạo và gìn giữ cẩn thận. Đây cũng là 1 trong những vườn tháp lớn và đẹp nhất cả nước. Tổng cộng có 110 ngôi tháp và mộ tại khu vườn, trong đó có tới 97 ngôi tháp cổ có lịch sử hàng trăm năm.
Các ngôi tháp đều có cách xây dựng giống nhau, chỉ sử dụng gạch, đá cùng kỹ thuật bắt mạch vôi mật mía. Ngoài ra, tất cả các tháp đều đồng nhất với cửa dạng cuốn vòng nhìn về hướng Đông Bắc, chứng minh tinh thần tôn giáo trang trọng của chùa Bổ Đà.
Ảnh: @vinvindiary
Mộc bản kinh phật, Hán Nôm
Điều đặc biệt ở chùa Bổ Đà là kho tàng kinh Phật, Hán Nôm trên nhiều loại hình với tuổi đời hàng trăm năm. Một số bản quý giá là mộc bản do đích thân thiền sư phái Lâm Tế san khắc thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) và các giai đoạn sau này. Đến nay, mộc bản vẫn còn khá nguyên vẹn với gần 2000 bản khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn đạt giá trị to lớn về cả kiến trúc, thẩm mỹ và nghiên cứu khoa học.
Ảnh: Sưu tầm
Các lễ hội hàng năm của chùa Bổ Đà
Ngoài những giá trị văn hóa vật thể thì chùa Bổ Đà còn thu hút Phật tử khắp nơi nhờ nhiều sự kiện sinh hoạt tôn giáo đặc sắc. Nổi bật nhất là hội chùa Bổ Đà được tổ chức hàng năm từ ngày 16 đến 18 tháng 2 Âm lịch. Lễ hội quy tụ tất cả các đền chùa khu vực núi Bổ Đà, các làng xã xung quanh đều tham gia, tạo nên 1 không gian văn hóa vùng Kinh Bắc cực kỳ rực rỡ, sôi nổi.
Ảnh: @trantrongnghia2302
Lễ hội bao gồm nhiều nghi thức rước, tế, dâng hương cúng Phật, cùng nhiều hoạt động diễn xướng và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá Bắc Sông Cầu. Điểm nhấn nổi bật là Liên hoan hát quan họ - nơi gắn kết, gặp gỡ của những người yêu mến làn điệu dân tộc.
Ảnh: @camtuht01
Khi tới đây, bạn sẽ được thả hồn trong giai điệu, thưởng thức những canh hát thâu đêm và sống trong không gian lễ hội sôi nổi. Sự hiện diện của những nét văn hóa truyền thống tại chùa Bổ Đà cũng là cơ hội để mọi người cùng ôn lại, gìn giữ và phát triển 1 di sản thế giới - điều tưởng chừng sắp mất đi giữa xã hội hiện đại.
Chùa Bổ Đà Bắc Giang là một điểm đến sở hữu nhiều giá trị văn hóa, Phật giáo hấp dẫn. Nếu bạn yêu thích việc khám phá di tích lịch sử đừng ngại ngần ghé thăm chùa Bổ Đà vào mùa xuân này. Tin chắc rằng, chuyến du xuân này sẽ đem lại cho bàn nhiều cảm xúc đáng nhớ.
Ảnh đại diện thuộc bản quyền của bạn @thanhloan0720