An Giang là mảnh đất có rất nhiều chùa chiền. Mỗi ngôi chùa đều có kiến trúc độc đáo thu hút đông du khách tới tham quan và chiêm bái mỗi năm. Dưới đây là top 10 chùa An Giang nổi tiếng nhất, phong cảnh hữu tình cho bạn tới vãn cảnh, chụp ảnh, cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình!
1.Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam
- Địa chỉ: P. Núi Sam, Châu Đốc, An Giang
Châu Đốc là nơi gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo huyền bí. Đến đây bạn không thể bỏ qua Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được khách du lịch trong và ngoài nước rất yêu thích.
Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng ở chân núi Sam nổi tiếng linh thiêng. Miếu Bà được xây dựng từ năm 1972 đến năm 1976 mới hoàn thành. Kiến trúc Miếu Bà theo kiểu chữ Quốc kết hợp dạng tháp hoa sen đang nở. Phía bên trên góc mái, bậc tam cấp, mái ngói lợp cũng mang những nét nghệ thuật riêng biệt.
Miếu Bà được chia làm các hạng mục là chánh điện, phòng khách, phòng võ ca và phòng ban quý tế. Các đường nét trang trí trong miếu chủ yếu mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ rất tinh xảo.
Ảnh: @na_nguyen85
Bên trong miếu có tượng Bà, Bàn thờ cậu, bàn thờ Cô, bàn thờ Linga… được chạm khắc tinh tế. Đặc biệt tượng Bà từng được vinh danh là bức tượng sa thạch cổ nhất Việt Nam. Hàng năm nơi đây thu hút hàng nghìn lượt khách ghé qua thắp Hương, cầu nguyện những điều may mắn, tốt lành.
Lễ hội Miếu Bà diễn ra vào ngày 24 – 27/4 Âm lịch cực kì hút khách đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Ảnh: @bngocc.510
2. Chùa Vạn Linh
- Địa chỉ: An Hảo, Tịnh Biên, An Giang
Nhắc đến chùa An Giang ít ai có thể quên được chùa Vạn Linh trên núi Cấm. Chùa không chỉ có phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn có ngôi chùa linh thiêng gắn liền với những giai thoại của núi Cấm.
Chùa Vạn Linh có kiến trúc ấn tượng, khuôn viên xanh mát cực kì thích hợp cho những ai muốn tìm đến không khí trong lành. Muốn lên được chùa bạn có thể đi cáp treo hoặc thuê xe ôm lên đỉnh núi Cấm.
Chùa Vạn Linh còn được gọi là chùa Lá, được xây dựng lần đầu tiên năm 1927. Năm 1976, chùa được trùng tu lại, tọa lạc trên độ cao 600m. Tổng diện tích chùa lên tới 6ha được chia làm nhiều công trình như: Nhà tổ, Chính điện, Tháp tổ, Trai đường, Lầu chuông, Bảo tháp…
Ảnh: @doanh.doanh306
Chùa Vạn Linh được xây dựng trên địa thế rất đẹp, nằm bên sườn đồi Bồ Hong mặt trước hướng thẳng nhìn ra hồ Thủy Liêm, bên trong khuôn viên rất nhiều cây bonsai, vườn hoa rực rỡ sắc màu… tạo nên không khí trong lành.
Phía bên trong Chính điện nổi bật nhất phải kể đến là tượng Đức Phật Thích Ca nặng 2 tấn, 2 bên là tượng Bồ Tát Địa Tạng và bồ Tát Quan Thế Âm được chạm khắc tinh tế, sơn son thiếp vàng.
Sân chùa còn có nhiều Bảo tháp quý, đặc biệt nhất là Bảo tháp Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang nơi có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và quả chuông nặng tới 1,2 tấn.
Lễ hội chùa Vạn Linh được tổ chức vào ngày 23 - 24/11 Âm lịch hàng năm thu hút rất nhiều tăng ni, phật tử tới tham gia. Đến với chùa Vạn Ninh, bạn còn có thể kết hợp du lịch khám phá núi Cấm hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị.
Ảnh: @blueric4
3. Chùa Hang
- Địa chỉ: QL91, Xã Vĩnh Tế, Thị Xã, Châu Đốc, An Giang
Chùa Hang cũng lọt top những chùa An Giang nổi tiếng linh thiêng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Chùa Hang còn có tên gọi khác là chùa Phước Điền, được xây dựng trên núi Sam. Bạn có thể kết hợp đi chùa Hang với Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu và chùa Tây An vì có vị trí địa lí khá gần với nhau.
Chùa Hang được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia gắn liền với nhiều biến cố lịch sử và các giai thoại kì bí. Chùa Hang được xây dựng vào năm 1885, nâng cấp vào năm 1937 và hiện nay vẫn đang tiếp tục được sửa chữa, hoàn thiện nhiều công trình.
Chùa Hang Châu Đốc không chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình mà còn có kiến trúc hoài cổ, linh thiêng. Chùa được xây dựng thành nhiều hạng mục xếp theo tầng, dọc bên triền núi hiểm trở.
Ảnh: @langthang.angiang
Trong chùa có thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng Phật Di Lặc, các vị hộ Pháp và còn có nơi thờ phụng tưởng nhớ bà Thợ cùng nhà sư Thích Huệ Thiện là hai người có công lớn trong việc xây dựng chùa.
Bên trong chính điện chùa có nhiều bức tượng Phật đẹp và các bức phù điêu chạm trổ tinh tế. Du ngoạn qua khu vực khuôn viên chùa, bạn sẽ thấy một hang động nhỏ, bên trong có am thờ với bức tượng Bạch Xà và Thanh Xà đem đến không khí kì bí, sống động.
Ngoài các khu vực thờ tự, chùa Hang còn có nhiều hạng mục khác như phòng tu học, nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của các tăng ni, Phật tử.
Ảnh: @mimy.ng
4. Chùa Lầu
- Địa chỉ: Xuân Tô, Tịnh Biên, An Giang
Chùa Lầu còn có tên gọi khác là Phước Lâm Tự, tọa lạc ở vị trí đắc địa rất nhiều người qua lại. Chùa Lầu được rất nhiều du khách yêu thích ghé qua vãn cảnh chùa, chụp ảnh bởi kiến trúc xây dựng nhiều tầng lầu độc đáo chẳng khác nào những ngôi chùa đẹp ở xứ Phù Tang.
Đường đi chùa Lầu rất dễ, xuất phát từ thành phố Châu Đốc, bạn đi theo hướng chợ Nhà Bàng, dọc lối đi huyện Tịnh Biên rồi rẽ sang QL91. Đến chùa Bánh Xèo, bạn đi thêm khoảng 2km nữa là sẽ thấy biển chỉ đường vào chùa Lầu Tịnh Biên, An Giang.
Ảnh: @thuaeria
Chùa Lầu có lịch sử hơn 130 năm tuổi, đợt trùng tu mới nhất vào năm 2009. Kiến trúc chùa mang hơi thở phong cách Nhật Bản với nhiều tầng mái xanh, gạch đỏ xếp chồng lên nhau.
Khuôn viên chùa rất đẹp với vườn hoa quanh năm đua nở khoe sắc màu đem đến khung cảnh bình yên, thư thái cho mọi du khách. Bên trong chùa có sự kết hợp phong cách Việt Nam - Nhật Bản với nhiều bức tượng Phật được trạm trổ tinh tế, hài hòa.
Ảnh: @anhthuphamv
Chùa Lầu được xem là địa điểm sống ảo lạ mắt nhất trong số các chùa An Giang. Bạn có thể check - in ở lối đi lên cầu thang, vườn hoa rực rỡ, hay cầu treo cao tới 5m, dài đến 40m ở chùa. Khuôn viên chùa cũng có nhiều xích đu gỗ, cho bạn tha hồ check - in.
Chùa Lầu có vị trí đắc địa gần với nhiều địa điểm du lịch An Giang khác như: Hồ Tà Pạ, rừng tràm Trà Sư, Đồi Tức Dụp, chợ Châu Đốc, Búng Bình Thiên… cho bạn tha hồ khám phá.
Ảnh: @nubixinh
5. Chùa Huỳnh Đạo
- Địa chỉ: Vĩnh Đông 2, Quốc lộ 91, Tân Lộ Kiều Lương, P. Núi Sam, Châu Đốc, An Giang
Chùa Huỳnh Đạo cũng có kiến trúc độc đáo khi kết hợp phong cách Trung Quốc - Việt Nam, thu hút rất nhiều khách du lịch. Bạn xuất phát từ thành phố Châu Đốc, đi dọc theo đường Bạch Đằng đến ngã 4 thì rẽ sang đường Quang Trung, đi tiếp đến QL19C rồi đi thêm một đoạn Tân Lộ Kiều Lương là sẽ tới cổng chùa Huỳnh Đạo An Giang.
Chùa Huỳnh Đạo được xây dựng vào năm 1928, đợt trùng tu gần nhất là năm 2018. Diện tích chùa rộng đến 12ha, chia làm nhiều công trình như: Tam Bảo, Chính điện, khuôn viên rộng, Quan Âm Các, Gác chuông...
Ảnh: @kim10.06
Riêng khu vực khuôn viên chùa rộng đến 3000m2 là nơi đặt 50 bức tượng Phật bằng đá đem đến sự uy nghiêm, thanh tịnh. Nổi bật nhất là tượng Phật Bà Quan Âm được đặt trên bệ đá cao tới 30m. Khuôn viên chùa còn có hồ sen, nhà thủy tạ thiết kế công phu với 9 bức tượng rồng uy nghi được coi là biểu tượng của 9 nhánh sông Cửu Long. Đây là địa điểm check - in độc đáo của rất nhiều du khách.
Bên trong Chính điện được chia làm 2 gian thờ chính, thờ tự các vị thần bốn phương. Kiến trúc chùa được chạm khắc tỉ mỉ, bày trí các tượng Phật khoa học, đẹp mắt.
Chùa Huỳnh Đạo là chùa An Giang duy nhất mang phong cách cổ điển Trung Hoa. Bạn có thể kết hợp tham quan chùa cùng với các địa điểm du lịch An Giang nổi tiếng như: Làng Chăm Châu Phong, Làng Chăm Đa Phước, Làng Bè Cá Nổi Châu Đốc, Bến Tàu Tổ Chim, Rừng Tràm Trà Sư….
Ảnh: @culte.kp
6. Chùa Koh Kas
- Địa chỉ: xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang
Chùa Koh Kas gây ấn tượng mạnh mẽ bởi kiến trúc Khmer độc đáo ngay từ phía cổng chào. Chiếc cổng được trang trí, chạm khắc các họa tiết, hoa văn Phật giáo sống động. Phía bên trên nóc cổng là 3 tháp nhỏ, mỗi đỉnh tháp là một đầu vị thần Bốn Mặt điển hình cho văn hóa Khmer. Xung quanh cổng là hình vẽ chạm khắc tượng rắn thần Naga không chỉ đẹp mà còn mang nhiều tầng ý nghĩa.
Chùa Koh Kas được ví như “cổng trời BaLi” nhưng mang đậm nét văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ. Các chi tiết hoa văn tạo nên kiến trúc cổng chùa hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ chụp ảnh sống ảo.
Ảnh: @thuyhoanne
Chùa Koh Kas tọa lạc trên vùng đất rộng, được bao bọc bởi những hàng cây thốt nốt xanh mát. Từ phía cổng chính, bạn phải đi thêm 500m mới đến chính điện. Bên trong có nhiều tượng Phật mang đậm nét văn hóa Khmer rất thú vị cho những ai muốn khám phá.
Đến chùa Khmer Koh Kas bạn nên kết hợp tham quan và check - in ở hồ Latina, Hồ Tà Pạ, cánh đồng thốt nốt…
Ảnh: @n.m.k_._
7. Chùa Tây An Cổ Tự
- Địa chỉ: Đường Vòng Núi Sam, P. Núi Sam, Châu Đốc, An Giang
Chùa Tây An Cổ Tự cũng là một trong những chùa An Giang đẹp và linh thiêng nhất. Chùa được xây dựng theo trường phái Bắc tông Phật giáo, có sự giao thoa giữa văn hóa Ấn Độ và Việt Nam.
Chùa được xây dựng bên chân Núi Sam, chỉ cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 5km. Chùa tọa lạc trong khu du lịch Núi Sam, rất tuyệt vời để bạn sắp xếp kết hợp khám phá nhiều địa danh khác như Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang.
Chùa Tây An được xây dựng lần đầu tiên năm 1820, đợt trùng tu gần nhất là năm 1993. Khuôn viên chùa rộng tới 15000m2 với điểm nhấn nổi bật là cột cờ cao 16m, chú voi trắng 6 ngà và chú voi đen 2 ngà mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Phía sau khuôn viên là các ngôi mộ tháp, ấn tượng nhất là mộ ngài Minh Nguyên - người thầy có công xây dựng lên chùa Tây An.
Ảnh: @amiphanminh
Cổng Tam Quan bước vào chùa gồm có 3 cửa, ở giữa là tượng Phật Bà Quan Âm Thị Kính, hai bên ghi tên chùa “Tây An Cổ Tự”.
Phía chính điện gồm 2 tầng mái thiết kế cong vút lợp bằng mái ngói vảy cá và ngói đại ống. Bên trong có nhiều tượng Phật đẹp, chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra còn có lầu chuông, lầu trống với thiết kế Long - Lân - Quy - Phượng ấn tượng. Lầu chuông có Đại Hồng Chung có tuổi đời hàng trăm năm từ thời vua Tự Đức.
Ước tính có tới hơn 11.000 bức tượng Phật lớn nhỏ được sắp đặt trong chùa thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé qua thăm quan, lễ bái.
Ảnh: @lee_oiag
8. Lăng Thoại Ngọc Hầu
- Địa chỉ: P. Núi Sam, Châu Đốc, An Giang
Ước tính chỉ riêng núi Sam Châu Đốc đã có tới hơn 150 ngôi chùa, am, miếu… nằm dọc sườn núi, chân núi và Lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong những ngoi chùa nổi bật nhất.
Lăng Thoại Ngọc Hầu có tên gọi khác là Sơn Lăng mang đậm ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Đây là khu lăng mộ kết hợp với đền thờ Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) - vị quan thanh liêm có nhiều công lao với mảnh đất An Giang làm quan dưới triều Nguyễn. Lăng Thoại Ngọc Hầu được chia làm khu chính giữa gồm có đền thờ, lăng mộ chính và 2 bên là các dãy mộ vô danh.
Lối đi vào lăng được thiết kế 9 bậc đá ong uy nghiêm tương truyền được chuyển từ miền Đông về. Toàn bộ lăng được xây dựng trên nền đá xanh, tựa lưng vào vách đá của núi Sam. Kiến trúc lăng mộ độc đáo với 2 cửa lớn có thiết kế theo hình bán nguyệt, 2 bên là 2 hàng liễn đối.
Ảnh: @bin200988
Toàn khu sơn lăng là một khối kiến trúc hài hòa. Xung quanh lăng được bao bọc bằng vách tường đúc dày vững vàng cao hơn đầu người, phía trước là 2 cửa lớn hình bán nguyệt theo kiểu kiến trúc của lăng tẩm xưa, 2 bên có 2 hàng liễn đối.
Bên trong lăng mộ chính ngoài mộ của Thoại Ngọc Hầu ở giữa, 2 bên còn có mộ bà Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế và bà Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt. Mỗi ngôi mộ đều thiết kế có bình phong ở trên đầu và bi kí dưới chân mộ.
Khu vực đền thờ được xây dựng lộng lẫy, uy nghiêm. Nổi bật nhất là tượng bán thân Thoại Ngọc Hầu cao 2m được chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra còn có nhiều văn bia, áng thơ hùng tráng, hoành phi, liễn đối… ca ngợi công lao của ông cha ta buổi đầu dựng nước.
Muốn tìm hiểu thêm về Thoại Ngọc Hầu, bạn nên tham quan khu nhà trưng bày có rất nhiều giai thoại về vị quan thanh liêm này.
Ảnh: @hoai.liinh
9. Chùa Mới - chùa Phước Thành An Giang
- Địa chỉ: Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang
Chùa Mới còn có tên gọi khác là chùa Phước Thành, chùa Chim nổi tiếng với vườn cây trĩu quả ngay trong khuôn viên non nước hữu tình. Ngôi chùa này cũng được vinh danh là ngôi chùa An Giang đặc biệt nhất với Kỷ lục Quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ tát lớn nhất Việt Nam.
Muốn đi chùa Mới, bạn xuất phát từ Long Xuyên đi hướng Ngã Ba Kinh Cựu Hội, vượt qua bến đò Phủ Thờ hỏi người dân địa phương chùa Phước Thành thì ai cũng biết.
Ảnh: @latuan92
Chùa được xây dựng lần đầu tiên năm 1872. Sau nhiều lần sửa chữa, đại trùng tu thì đến năm 2016, công trình được hoàn thành mang kiến trúc đặc thù của Phật Giáo. Tổng diện tích chùa lên đến 4000m2 với khuôn viên cực đẹp có bức tượng Phật A Di Đà cùng với rất nhiều tiểu cảnh mô phỏng vịnh Hạ Long, chùa Một Cột, Tháp Rùa, hòn Phụ Tử….
Bên trong chùa có rất nhiều tượng Phật được sơn son thiếp vàng đặc sắc. Du khách đến với chùa Mới không chỉ vãn cảnh, ngắm vườn cây ăn trái trù phú mà còn tìm hiểu văn hóa Phật giáo, cầu mong những điều tốt lành, bình an.
Ảnh: @langthang.angiang
10. Thiền viện Đông Lai (chùa Bánh Xèo)
Thiền viện Đông Lai được gọi bằng cái tên dân dã là chùa Bánh Xèo. Chùa không chỉ có không gian bình yên mà còn có điểm nhấn đặc biệt là phục vụ bánh xèo chay miễn phí cho tất cả các du khách ghé qua. Người dân địa phương cũng gọi đây là chùa Phật Nằm bởi bức tượng Phật nằm dài tới 6m trong khuôn viên chùa.
Chùa được xây dựng dưới chân núi Cậu vào năm 1959. Chùa được trùng tu lại vào năm 1999 với lối kiến trúc hoa mỹ kết hợp khuôn viên thanh tịnh. Bên trong Chính điện có bàn thờ Tam Thế Phật được bố trí gọn gàng, xung quanh có các bức phù điêu Thập Bát La Hán được chạm khắc tinh tế. Ngoài ra chùa còn có một số khu vực chính khác như: Đài Quan Âm, hòn non bộ, nhà ăn đổ bánh xèo…
Ảnh: Chùa Bánh Xèo
Hàng ngày, chùa Bánh Xèo có thể phục vụ miễn phí hàng nghìn chiếc bánh chay. Trong bếp có tới 40 chảo bánh liên tục hoạt động đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách thập phương. Tất cả những người thợ đổ bánh xèo đều là tình nguyện viên khéo léo để làm nên những chiếc bánh xèo chay từ đậu xanh, giá đỗ, đậu hũ, củ sắn, nấm mèo… Nhà chùa cũng có khu vực nhà ăn riêng biệt để du khách có thể ngồi thoải mái thưởng thức chiếc bánh xèo thơm ngon.
Ảnh: @roaming.rebels
Top 10 chùa An Giang trên đã đủ sức hấp dẫn lôi cuốn bạn chưa? Nếu bạn đang chuẩn bị đi du lịch An Giang đừng quên đến thăm chùa, cầu mong những điều bình an, may mắn và check - in sống ảo tuyệt vời nữa nhé!
Ảnh đại diện: @tukietran
Bài viết bạn quan tâm:- Kinh nghiệm du lịch An Giang tự túc được cập nhật mới nhất