Măng Đen nức tiếng gần xa với 7 hồ xanh thăm thẳm, 3 thác nước bọt tung trắng xoá cùng vô vàn cảnh đẹp mỹ lệ. Được ví là hòn ngọc xanh duy nhất còn sót lại, Măng Đen không chỉ quyến rũ du khách bởi phong cảnh mà còn là văn hóa ẩm thực đặc sắc, độc đáo. Phong vị của núi rừng kết tinh trong hương vị của đặc sản nơi đây. Digiticket sẽ "trèo đèo, lội suối" dẫn bạn khám phá trọn bộ những đặc sản Măng Đen nổi tiếng nhất!
1. Thịt hun khói Huệ Tâm Măng Đen
Đây là món ăn được mệnh danh là "chứa đựng trọn vẹn khí chất của người dân tộc, cuộc sống dân dã và linh hồn của rừng già".Thịt hun khói Huệ Tâm Măng Đen - cái tên khơi gợi bao cảm xúc. Vì đằng sau đặc sản này là cả một hành trình tìm kiếm, trải nghiệm để mang lại hương vị chuẩn xác nhất.
Ảnh: sưu tầm
Thịt hun khói được làm từ 100% nguyên liệu sạch. Khâu chọn lọc, chế biến kĩ càng. Độ an toàn vệ sinh và chất lượng được đảm bảo tối ưu. Công đoạn ướp thịt cũng rất quan trọng. Hạt dổi rừng, hạt mắc khén và các loại dược liệu Măng Đen khác phảng phất trong từng thớ thịt. Không những không át hương mà còn giúp dậy vị. Thời gian sấy thịt kéo dài từ 3 đến 6 tháng, càng lâu thì miếng thịt càng mềm và thơm ngon.
Người bản địa còn có cách ăn thịt lợn hun khói rất độc đáo. Họ dúi thịt lợn vào tro bếp còn ấm nóng, sau khi thịt đủ độ nóng thì đập cho tro bếp bay đi rồi xé sợi và thưởng thức.
Ảnh: sưu tầm
2. Chuối hột rừng Kon Tum
Đâu là điều làm nên sự khác biệt giữa chuối thường và chuối hột rừng? Trái chuối rừng thường chỉ to gần bằng ngón tay cái. Chuối chín ăn ngọt, nhưng vì có nhiều hột nên ít người coi là loại trái cây để ăn mà thường trở thành nguyên liệu cho những bài thuốc cổ truyền.
Ảnh: sưu tầm
Khi phơi sấy, chuối có vị thơm đặc trưng thường dùng để ngâm rượu. Rượu chuối hột uống ngọt và đằm, hương vị khác biệt, thơm ngon đặc biệt so với chuối thường.
Ảnh: sưu tầm
Theo dân bản xứ, toàn thân cây chuối rừng đều có thể sử dụng. Bắp chuối, cây chuối rừng được sử dụng để chế biến thành các món ăn. Những món ăn từ bắp chuối hòa quyện vị ngọt, chát, giòn lưu mãi nơi đầu lưỡi.
Chuối hột khô ngâm rượu còn kích thích tiêu hóa, bổ thận, chữa đau lưng, mệt mỏi, trị kém ăn, mất ngủ... Cũng chính vì thế, đặc sản Măng Đen này được thương lái khắp nơi tìm mua.
3. Măng le Kon Tum
Dưới cái nắng dịu nhẹ ở Măng Đen, chạy dọc con đường vào các thôn làng. Những búp măng tươi non đang ngả màu vàng óng. Mùi thơm sực nức khiến ai ngang qua cứ thòm thèm
Ảnh: sưu tầm
Từng đọt măng ruột của cây le có sức phát tán mạnh mẽ, sức sống dẻo dai đến kỳ lạ. Vị ngọt bùi không hề đắng tê tái như những loại măng khác. Măng le có thể ăn tươi hoặc để khô tích trữ. Dù ở cách thức nào thì vẫn đảm bảo được hương vị cực phẩm. Đăc sản Măng Đen này được xếp hạng số một trong các loại măng từ tre, nứa.
Ảnh: sưu tầm
Nguyên liệu dân dã ấy lại có thể tạo nên vô vàn món ngon hấp dẫn. Đơn giản có thể làm món gỏi măng le trộn lạ miệng. Cầu kỳ hơn chút với thịt vịt xáo măng le, rồi giò heo hầm măng le, gan heo xào măng le... Đặc biệt, khi tiếp đón khách quý, người dân bản xứ thường chiêu đãi món măng le nấu cùng thịt nai khô.
4. Gà Nướng Măng Đen
Gà nướng là cái tên "vàng" trong những món đặc sản Măng Đen. Món ăn này còn vinh hạnh nằm trong top 50 món ngon nên thử trong sách kỷ lục Guinness Việt Nam. Vậy đâu là bí quyết làm nên sự khác biệt cho món ăn món ăn tưởng như quen thuộc này?
Ảnh: sưu tầm
Đầu tiên, muốn làm ra loại gà nướng đặc biệt này cần phải có gà thả rông, loại 1kg đổ lại. Thịt được tẩm ướp gia vị từ một số loài rễ, lá và cây rừng. Đặc biệt không thể thiếu mật ong rừng. Sau khi ướp thịt gà, người ta không đem nướng ngay mà phơi ráo gà ngoài nắng một lúc.
Ảnh: Oanh Phạm
Gà sau khi nướng có vẻ ngoài bóng bẩy, chảy nước miếng. Bên trong không bị khô mà vẫn còn mọng nước. Thịt mềm dai, xé từng mảng ra thơm phức bốc khói nghi ngút. Khi thưởng thức nên chấm thêm muối tiêu, muối hột lớn với ớt cay và lá bét. Gà nướng thường đi cùng với cơm lam Măng Đen. Đây là cặp bài trùng tuyệt hảo mà thực khách không thể bỏ qua.
5. Cá Tầm Măng Đen
Vùng cao nguyên Măng Đen là nơi tập trung nhiều hồ lớn. Dòng nước mát lạnh quanh năm, là đất lành cho cá quý. Tại Anh, người dân xem cá tầm như “loài cá hoàng gia” và “viên ngọc đen của thiên nhiên”.
Ảnh: sưu tầm
Thịt cá trắng muốt, dai, có vân vàng. Chứa nhiều giá trị dinh dưỡng: vitamin A, phốt pho, selen và vitamin B6, B12. Ngoài ra còn có nhiều omega 3 và omega 6. Điểm đặc biệt của loại cá này đó là xương có thể ăn được. Vì được cấu tạo từ sụn nên các món ăn được chế biến gần như không bỏ đi một phần nào. Đầu xương, đuôi làm món hấp xì dầu hoặc nấu canh chua.
Ảnh: sưu tầm
Một trải nghiệm lý thú du khách có thể thử đó là tự tay bắt cá. Sau đó nhờ các đầu bếp của những nhà hàng xung quanh chế biến. Dưới bàn tay khéo léo của người lành nghề, bạn chắc chắn sẽ có một bữa ăn khó quên.
6. Gỏi Lá Măng Đen
Cái tên gỏi lá vì món ăn có màu xanh mướt mắt của lá. Ước chừng mỗi mâm đúng chất Kon Tum sẽ có từ 30 - 70 loại khác nhau. Có thể kể đến một số loại lá lạ như lá trâm, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá bứa, từ đại bi... Đây là đặc trưng chỉ riêng Kon Tum và các vùng Tây Nguyên mới có.
Góp mặt vào đó là những cái tên quen thuộc hơn như lá ổi, lá xoài, đinh lăng, lá sung, tía tô, lá mơ, lá cải... Sự kết hợp tạo nên tổng hòa đủ vị đắng, cay, bùi, ngọt, chua, chát.
Ảnh: @phuc.lh1990
Bên cạnh nhiều loại rau lá khác nhau, món ăn xanh ruột này được ăn kèm với chén nước chấm được làm từ gạo nếp lên men. Sau đó đem ủ với tôm khô, thịt ba chỉ rồi xay nhuyễn với mẻ, sa tế cùng các gia vị khác.Đi kèm là đĩa thức ăn gồm thịt ba chỉ luộc thái mỏng, tôm, bì lợn luộc đặt giữa mâm gỏi lá liền kề với đĩa muối hột, ớt xanh.
Ảnh: sưu tầm
Cách thưởng thức gỏi lá cũng là cả một nghệ thuật. Trước tiên, chúng ta sẽ cuốn lá mơ thành hình phễu nhỏ. Sau đó cuốn thêm khoảng 5 - 7 loại lá khác nhau vào, tùy ý thích của bạn. Trên cùng đặt lên những lát thịt luộc, bì lợn, tôm rồi chan nước chấm lên. Nếu ăn được cay bạn có thể thêm chút ớt hoặc tiêu xanh. Bì lợn giòn, thịt luộc mềm mại cả nạc và mỡ cùng cùng vị ngọt của tôm. Sự đa dạng mùi vị của các loại lá đã nâng tầm món ăn. Biến những nguyên liệu bình thường trở nên sáng giá.
Người bản xứ khuyên rằng khi ăn thì sử dụng 7-10 loại lá trong trong một lần cuốn. Rồi bạn sẽ thử lần lượt từng loại lá trong mâm. Mỗi loại lá sẽ đưa bạn đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Đừng bỏ lỡ đặc sản Măng Đen này nhé!
7. Rượu vang sim rừng Măng Đen
Có lẽ các bạn đều đã nghe qua loại rượu vang trứ danh đất rừng này. Hoa sim, trái sim từ lâu đã được dùng để làm thuốc chữa nhiều bệnh trong đông y. Theo truyền thống, sim được sử dụng làm nguyên liệu bằng cách ngâm rượu. Cải tiến qua nhiều giai đoạn, nhà máy rượu vang sim Măng Đen đã độc quyền công nghệ phân lập men vi sinh. Thành phẩm là những chai rượu nồng ấm, thơm ngọt, được trích ly hoàn toàn chất dinh dưỡng từ trái sim rừng.
Ảnh: sưu tầm
Thời gian lên men rượu khoảng từ 12–18 tháng. Nhấp từng ngụm rượu, ta có thể cảm nhận rõ được sự hòa quyện 3 vị đặc trưng chua, chát và ngọt của sim. Dù không phải dân sành rượu, bạn cũng có thể thưởng thức vì vang sim rất dễ uống.
Ảnh: sưu tầm
Vùng đất bốn mùa thông reo này quả là khiến chúng ta đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Digiticket đã cùng bạn khám phá những đặc sản Măng Đen nổi bật nhất. Khép lại hành trình, mong các bạn đã có cho mình những thông tin hữu ích cho những chuyến đi sắp tới. Đừng quên chia sẻ với chúng minh những review chân thực về đặc sản Kon Tum khi bạn có cơ hội trải nghiệm trực tiếp nhé.
Có thể bạn quan tâm:-
TOP 10 Đặc sản Kon Tum
Ảnh đại diện thuộc bản quyền của Facebook Cá tầm Măng Đen - Kon Tum