Bắc Ninh được mệnh danh là cái nôi truyền thống văn hóa lâu đời, cũng chính là nơi khai sinh ra Phật giáo tại Việt Nam. Do đó mà vùng đất này có rất nhiều ngôi chùa linh thiêng nức tiếng gần xa. Nếu có dịp đến mảnh đất Kinh Bắc, bạn nhớ ghé thăm những ngôi chùa Bắc Ninh trứ danh này nhé!
1. Chùa Bút Tháp
- Tọa độ: bên đê sông Đuống, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Bút Tháp hay còn gọi là Ninh Phúc tự hoặc chùa Nhạn Tháp, là một trong những ngôi chùa Bắc Ninh có đông du khách ghé thăm nhất. Chùa nổi tiếng với bức tượng Phật Bồ Tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn được làm từ gỗ quý. Hiện nay, đây là bức tượng gỗ lớn nhất tại nước ta.
Ảnh: @leylander
Chùa Bút Tháp vẫn còn lưu giữ được cơ bản các di tích từ thế kỷ XVII. Phật điện gồm 10 nếp nhà nằm trên trục dài 100m. Đi qua cửa tam quan sẽ dẫn đến gác chuông 2 tầng, 8 mái. Chùa có 3 dãy nhà là tiền đường, thiên hương và thượng điện cùng tạo thành chữ "Công". Trong chùa có nhiều pho tượng, nổi bật nhất trong số đó là tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay.
Ảnh: @masako_vietnam
Ngoài ra, chùa có 2 tác phẩm điêu khắc không kém phần nổi tiếng là tượng Thị Kính và tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam. Đây là ngôi chùa Bắc Ninh có kiến trúc độc đáo được thiết kế theo hình tháp cao dần lên. Chùa không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là nơi mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa.
2. Chùa Tiêu
- Tọa độ: xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Tiêu hay còn được gọi là chùa Lục Tổ là ngôi chùa Bắc Ninh thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, là nơi tu thiền và giảng pháp của nhiều cao tăng thời bấy giờ. Tại chùa có một tấm bia đá cao 0,68 m, chiều ngang 0,4 m khắc dòng chữ "Lý Gia Linh Thạch".
Ảnh: @dncnbwrs
Theo ghi chép của sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam năm 1993 thì chùa Tiêu là nơi trụ trì của Thiền sư Vạn Hạnh. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ tháp mộ và nhục thân của Thiền sư Như Trí, là người có công khắc in cuốn Thiền Uyển Tập Anh ghi chép về các danh tăng Việt Nam, có giá trị về văn học, triết học và sử học.
Ảnh: @trinh_cun95
3. Chùa Lim
- Tọa độ: xã Vân Tương, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Lim của tỉnh Bắc Ninh là nơi thờ Phật và thờ mẫu Liễu Hạnh. Ngày nay, chùa thu hẹp diện tích như nhờ có hội chùa Lim nên vẫn luôn thu hút đông đảo du khách thập phương. Hội chùa Lim sẽ được bắt đầu bằng lễ rước. Đoàn người tham gia rước rất đông với những bộ lễ phục cổ sặc sỡ cầu kỳ rất đẹp mắt, kéo dài gần cả km.
Ảnh: Sưu tầm
Trong ngày này có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian nổi tiếng. Chính hội sẽ được diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng với các nghi thức rước, tế lễ thành hoàng của các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương ở đền cổ Lũng, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, lăng Hồng Vân,...
Ảnh: Sưu tầm
Nếu bạn muốn tìm một ngôi chùa Bắc Ninh với một không gian thơ nhạc náo nức xao xuyến lòng người thì chùa Lim chính là điểm đến lý tưởng dành cho bạn. Những chiếc áo mớ ba mớ bảy, nón quai tầm, quai thao cùng dải yếm lụa sồi, khăn đóng,... như ẩn chứa sức sống của con người và cảnh vật nơi này.
4. Chùa Hàm Long
- Tọa độ: xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Hàm Long là ngôi chùa Bắc Ninh nằm lặng trên một sườn đồi, xung quanh là những cây cổ thụ có tuổi đời lên đến trăm tuổi. Tên gọi Hàm Long bắt nguồn từ chính vị trí dựng chùa. Theo đó, Hàm Long có nghĩa là con rồng của ngọn Long Lĩnh, bao bọc xung quanh là các ngọn núi Phượng Hoàng, Kỳ Lân và núi Rùa.
Ảnh: @Trần Hương Thành
Chùa Hàm Long có kiến trúc cổ kính với các ngôi tháp rêu phong và mái chùa phủ màu sương gió. Ngôi chùa toát lên vẻ u buồn, thanh tịnh. Thông thường, du khách đến đây không phải để cầu may, vãn cảnh hay cúng Phật mà là để nhốt vong, nhốt trùng.
Ảnh: @Lê Minh Đức
Cho đến nay, khuôn viên chùa vẫn còn 2 ngọn tháp. Tháp gạch là nơi chứa xá lợi của sư tổ Như Trừng Lân Giác, tháp đá là nơi cất giữ công phu tu tập của sư tổ. Cũng chính sư tổ Như Trừng Lân Giác chính là người đầu tiên đặt nền móng cho việc "nhốt vong" ở ngôi chùa này. "Nhốt vong" là dùng kinh kệ hồi hướng, dẫn lối giúp cho vong hồn được siêu sinh.
5. Chùa Phúc Nghiêm
- Tọa độ: thôn Chản Làng, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Phúc Nghiêm hay còn gọi là chùa Tổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 14-15. Chùa là công trình mang đậm nét kiến trúc triều Nguyễn với các hạng mục tiêu biểu như tòa Tam bảo, nhà tăng, nhà tổ, tháp cổ,...
Ảnh: Sưu tầm
Tòa Tam bảo được xây theo kiểu "bình đầu bít đầu", gồm 2 phần là Tiền đường và Phật điện được sắp xếp theo bố cục hình chuôi vồ. Tiền đường gồm 7 gian nhà gỗ lim và 5 hàng chân cột, có các mảng trang trí theo chủ đề tứ quý, phản ánh về sản vật của quê hương. Phật điện gồm 3 gian rộng rãi có cùng kiểu kiến trúc với Tiền đường nhưng không được chạm khắc mà được bào trơn kỹ lưỡng.
Ảnh: Sưu tầm
Từ lâu, ngôi chùa Bắc Ninh này đã trở thành trung tâm Phật giáo nổi tiếng của thiền phái Trúc Lâm. Hiện nay hệ thống tượng cổ cùng với các công trình kiến trúc và các đồ thờ tự vẫn được địa phương bảo quản cẩn thận. Ở tòa Tam bảo và thờ tổ có tới hơn 30 pho tượng gỗ từ thời Lê - Nguyễn có giá trị cao.
6. Chùa Dâu
- Tọa độ: xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Dâu là một trong số ngôi chùa Bắc Ninh cổ xưa nhất tại Việt Nam. Chùa được xây dựng từ buổi đầu Công Nguyên theo kiểu "nội công ngoại quốc". Chùa còn được biết đến với các tên gọi như chùa Pháp Vân, chùa Cả, chùa Cổ Châu, chùa Diên Ứng hay Duyên Ứng tự.
Ảnh: Sưu tầm
Chùa Dâu gồm 4 dãy nhà được liên thông thành hình chữ nhật, bao quanh 3 ngôi nhà chính là tiền đường, thượng điện và thiên hương. Hiện nay chùa không còn khu hậu đường nữa nhưng khi bạn đến đây vẫn có thể chiêm ngưỡng được 40 gian nhà oản nằm ở 2 bên tả hữu của chùa.
Ảnh: @hgphglnh
Điểm nổi bật của chùa Dâu là những pho tượng thờ. Gian giữa của chùa có bức tượng Bà Dâu hay còn gọi là nữ thần Pháp Vân màu đồng hun khói với chiều cao 2 m. Tượng có dáng vẻ trầm mặc, uy nghi, ở giữa trán có một nốt ruồi đậm. Ở 2 bên tượng Bà Dâu là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. Ngoài ra, chùa còn có tượng của Bà Đậu, tượng Mạc Đĩnh Chi, tượng Thiên Vương,... có từ lâu đời.
7. Chùa Phật Tích
- Tọa độ: núi Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Phật Tích hay còn gọi là chùa Vạn Phúc là ngôi chùa Bắc Ninh lưu giữ những bức tượng Phật bằng đá từ thời nhà Lý lớn nhất nước ta. Chùa được xây dựng vào năm 1057, dưới thời nhà Lý. Năm 1066, vua Lý Thánh Tông cho xây thêm một tòa tháp cao. Khi tòa tháp bị đổ thì lộ ra bức tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối, được dát vàng bên ngoài. Vì thế chùa được đổi tên thành chùa Phật Tích.
Ảnh: @_hpt.1
Ngôi chùa này cũng được xây dựng theo lối kiến trúc "nội công ngoại quốc". Ở sân chùa có trồng một vườn hoa mẫu đơn rất đẹp luôn nở khoe sắc. Bên phải của chùa là miếu thờ Đức Chúa - bà Trần Thị Ngọc An, bà chính là đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng. Bên trái chùa là nhà thờ tổ đệ nhất Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ.
Ảnh: @ha.trunghien
Hiện nay, chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường dùng để tiếp đón khách; 5 gian bảo để thờ Phật, Đức A Di Đà cùng các vị Tam thế Phật và 7 gian để thờ Thánh mẫu. Đây là ngôi chùa Bắc Ninh có kiến trúc thời Lý, thể hiện thông qua 3 bậc nền bạt vào sườn núi. Các nền hình chữ nhật có chiều dài khoảng 60 m, chiều rộng khoảng 33 m với mặt ngoài được bố trí các tảng đá hình khối hộp chữ nhật.
8. Chùa Dạm
- Tọa độ: xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Dạm được mệnh danh là Trung tâm Phật giáo, là một kiệt tác từ thời nhà Lý. Chùa có kiến trúc kỳ vĩ với nền gạch ngói hoa văn nổi hình cánh sen được chạm trổ tỉ mỉ. Việc trau chuốt từng chi tiết trong kiến trúc chùa thể hiện được tài năng của người sáng tạo và sự ngưỡng vọng của nhà vua đối với Phật giáo.
Ảnh: @trido_arch
Bên cạnh các giá trị văn hóa vật thể, ngôi chùa Bắc Ninh này còn là nơi bảo lưu các giá trị văn hóa phi vật thể như giai thoại, truyền thuyết, thơ ca, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo,... Trong đó, nổi bật hơn cả là tín ngưỡng và lễ hội chùa Dạm. Vào tháng 9 âm lịch hằng năm, lễ hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động như rước kiệu, biểu diễn chèo, tuồng, các trò chơi dân gian,...
9. Chùa Linh Ứng
- Tọa độ: thôn Cửu Yên, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Linh Ứng hay còn gọi là chùa Khám là một trong các danh lam đệ nhất của Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa Bắc Ninh để hành hương và cầu may mắn được nhiều du khách thập phương lựa chọn. Chùa sở hữu vị thế đắc địa, hội tụ linh khí đất trời cùng các lối đi lại thuận tiện.
Ảnh: @Chùa Linh Ứng - Thôn Cửu Yên
Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị hủy hoại gần như hoàn toàn, chỉ còn sót lại 3 bức tượng bằng đá. Năm 1986, chùa Linh Ứng được xây dựng lại trên nền chùa cũ. Hiện nay, chùa được thiết kế với lối kiến trúc hài hòa, có nhiều cây xanh mang tới không khí trong lành, an nhiên và thanh tịnh. Cứ vào ngày mồng 7 tháng 4 âm lịch, người dân sẽ tổ chức lễ hội chùa Linh Ứng rất linh đình.
Ảnh: Sưu tầm
10. Chùa Đại Bi
- Tọa độ: thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Đại Bi hay còn gọi là chùa Tổ hoặc chùa Tẩy tọa lạc ở bãi bồi cách bờ Nam sông Đuống khoảng 1 km. Ngoài thờ Phật, chùa còn là nơi lưu giữ về Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang - người sáng lập thiền phái Trúc Lâm. Sau nhiều lần tu bổ, chùa vẫn mang dấu ấn kiến trúc của thời nhà Lê và nhà Nguyễn.
Ảnh: Sưu tầm
Lễ hội chùa Đại Bi thường được tổ chức vào ngày 21 tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ hội lớn được rất nhiều du khách quan tâm gồm nghi thức rước lễ long trọng và nhiều trò chơi vô cùng độc đáo.
Ảnh: @611mslife
Trên đây là top 10 ngôi chùa Bắc Ninh nổi tiếng linh thiêng mà bạn không nên bỏ qua trong những ngày đầu năm mới. Những ngôi chùa này đều có tuổi đời lâu năm, các kiến trúc đều nhuốm màu thời gian chắc chắn sẽ mang đến cho bạn sự thư thái, an nhiên trong tâm hồn. Chỉ cần đến với sự thành tâm thì điều may mắn sẽ đến với bạn.
Ảnh đại diện: Internet