Với tuổi đời gần 800 năm, Chùa Bút Tháp Là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở xứ Kinh Bắc gắn liền với những thăng trầm của các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong bài viết sau đây, Digiticket sẽ chia sẻ kinh nghiệm tham quan Chùa Bút Tháp Bắc Ninh chi tiết nhất.
1. Chùa Bút Tháp ở đâu?
Chùa Bút Tháp còn có tên gọi là Ninh Phúc Tự, chùa Nhạn Tháp, Hoàng Cung Tự. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về hướng Đông, ngôi chùa tọa lạc bên sông Đuống tại thôn Bút Tháp - xã Đình Tổ - huyện Thuận Thành - tỉnh Bắc Ninh.
Đây là một công trình Phật giáo có tuổi đời gần 800 năm vô cùng nổi tiếng bởi lối kiến trúc đặc sắc. Đồng thời cũng là một trong những ngôi chùa cổ từ thời vua Trần có kiến trúc hoàn chỉnh nhất còn tồn tại ở Việt Nam.
Ảnh: @subicao
2. Khái quát về lịch sử của Chùa Bút Tháp Bắc Ninh
Theo một số ghi chép trong Địa chí Hà Bắc, Chùa Bút Tháp Bắc Ninh được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIV dưới thời vua Trần Thánh Tông. Đến khoảng thế kỷ XVII, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ của Lê Thần Tông) lựa chọn chùa Bút Tháp làm nơi tu hành vào những năm tháng cuối đời. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa vẫn lưu giữ nguyên vẹn nét kiến trúc Phật giáo ở thế kỷ XVII.
Ảnh: sưu tầm
3. Cách di chuyển đến Chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp Bắc Ninh nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, vậy nên bạn có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng xe máy. Ngoài ra xe bus cũng là lựa chọn an toàn và tiết kiệm, bạn có thể cân nhắc nếu có quỹ thời gian dư dả.
Đến Chùa Bút Tháp bằng xe máy
Quãng đường đi chỉ mất khoảng 1 giờ chạy xe. Xuất phát từ Hà Nội, bạn đi đến cầu Chương Dương, đi theo vòng xuyến (bùng binh) và rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Cừ. Sau khi đi khoảng 3km thì rẽ phải vào đường QL5. Đi tiếp 6,5km thì rẽ trái vào Cổ Bi. Bạn chạy xe khoảng 2km rồi rẽ phải vào đường 20. Từ đây, bạn chạy xe khoảng 11km nữa là đến chùa.
Ảnh: sưu tầm
Đến Chùa Bút Tháp bằng xe buýt
Tại bến xe Yên Lương bạn hãy bắt tuyến xe 204. Sau khi xuống xe tại chợ Keo thì bạn hãy bắt taxi hoặc xe ôm thêm 6km để đến chùa.
4. Chùa Bút Tháp Bắc Ninh có gì đặc sắc?
Được nhận định là một trong những công trình hiếm hoi giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp sơ khai vốn có, Chùa Bút Tháp Bắc Ninh là niềm tự hào của người dân cũng như lịch sử Việt Nam. Mời bạn cùng theo chân Digiticket khám phá vẻ đẹp uy nghi của "đệ nhất cổ tự" xứ Kinh Bắc.
Ảnh: @i am nhung
Khám phá nét kiến trúc độc đáo
Mang nét đặc trưng của những ngôi chùa cổ phía Bắc, Chùa Bút Tháp được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" gồm những công trình lớn nhỏ được bố trí chặt chẽ, cân xứng. Toàn bộ những công trình chính của chùa đều xây theo hướng Nam - hướng trí tuệ được đề cập trong đạo Phật.
Tổng thể ngôi chùa gồm khu trung tâm với 8 nếp nhà chạy song song theo trục dọc. Khu vực ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đến là gác chuông 2 tầng 8 mái. Ngay bên trái ngôi chùa là tòa tháp Báo Nghiêm cao 13m - một tuyệt tác nghệ thuật mang lối kiến trúc đặc sắc của Phật giáo Việt Nam.
Chiêm ngưỡng 4 bảo vật quốc gia
Chùa Bút Tháp Bắc Ninh là nơi lưu giữ bốn bảo vật quốc gia có một không hai. Đó là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tòa Cửu phẩm liên hoa, Siêu hương án và Bộ tượng Phật Tam thế.
Ảnh: @hichiko_nguyen
Được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012, pho tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ mang đậm giá trị tín ngưỡng - tâm linh. Bức tượng được tạc vào khoảng năm 1656 với chiều cao 3.7m, ngang 2.1m và bề dày 1.15m.
Tượng Phật Bà có tổng cộng 11 đầu, 42 tay lớn và hơn 940 tay nhỏ. Hình ảnh Phật Bà uy nghi thượng tọa trên đài sen với gương mặt uy nghiêm, bác ái cùng trăm nghìn cánh tay - trăm nghìn đôi mắt quảng đại như nhìn thấu quy luật của vạn vật trong vũ trụ.
Ảnh: Sưu tầm
Từ Thượng Điện, đi qua cầu đá là đến Tích Thiện Am - nơi đặt tòa Cửu phẩm liên hoa. Đây là một trong 3 tòa cửu phẩm liên hoa được gìn giữ cho đến hiện tại, là minh chứng sống động cho tài nghệ điêu khắc đỉnh cao của những nghệ nhân thời phong kiến.
Tòa Cửu phẩm liên hoa là tháp quay với 9 tầng và 8 mặt. Trong đó 9 tầng là 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành Phật pháp. Riêng 8 mặt lại mang ý nghĩa đại diện cho 8 phương của nhà Phật được khắc phù điêu vô cùng sống động. Mặc dù đã được xây dựng hàng trăm năm nhưng hiện nay tòa tháp này vẫn có thể xoay mà không phát ra tiếng kêu.
Ảnh: Sưu tầm
Siêu hương án được đặt ở Thượng điện là hiện vật gốc độc bản từ thế kỷ 17. Hương án được chạm khắc tỉ mỉ, bố cục tinh tế, tạo cảm giác kết nối chuyển động của cả hệ thống đồ án. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách điêu khắc gỗ thời Lê Trung hưng.
Ảnh: sưu tầm
Bên trái Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay là Bộ tượng Phật Tam thế. Ba pho tượng tượng trưng cho ba vị phật: Quá khứ thế, Hiện tại thế và Vị lai thế mang ngụ ý về Phật pháp ở cả ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Bộ tượng được làm từ chất liệu gỗ phủ sơn, thếp vàng và điêu khắc vô cùng tinh xảo.
Bên cạnh đó, trong chùa Bút Tháp còn lưu giữ nhiều cổ vật, pho tượng quý. Đáng chú ý là các pho tượng tròn đặc sắc, ít gặp ở các ngôi chùa cổ khác.Ảnh: sưu tầm
Tháp Báo Nghiêm
Tháp Báo Nghiêm là điểm tham quan đặc sắc mà bạn không nên bỏ lỡ nếu có dịp chiêm bái Chùa Bút Tháp. Tòa tháp có chiều cao 13m bao gồm 5 mặt. Mỗi mặt dài 2m được tạo hình bát giác với những chóp mái đao cong mềm mại có khoét lỗ để treo chuông.
Tháp Báo Nghiêm ở Chùa Bút Tháp có thiết kế độc đáo với phần đáy rộng và thu hẹp dần ở phần đỉnh tháp. Nhìn từ xa Tháp Báo Nghiêm trông chẳng khác gì một cây bút khổng lồ kiêu hãnh vươn mình trên nền trời xanh.
Ảnh: justabakaholic
Các hoạt động chiêm bái, cầu nguyện
Khi có dịp ghé thăm Chùa Bút Tháp Bắc Ninh, ngoài việc chiêm ngưỡng những bảo vật độc nhất vô nhị thì bạn cũng đừng quên tham gia các hoạt động chiêm bái cầu nguyện vô cùng linh thiêng. Những hoạt động cúng bái tại chùa đều được tổ chức trang trọng theo nghi lễ truyền thống nhưng vẫn phù hợp với nhịp sống hiện đại.
5. Lễ hội chùa Bút Tháp Bắc Ninh
Lễ hội Chùa Bút Tháp diễn ra hàng năm vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch. Đây là hoạt động tín ngưỡng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Bộ. Lễ hội Chùa Bút Tháp Bắc Ninh được chia thành 2 phần chính gồm lễ và hội.
Ảnh: @tueman
Phần lễ được tổ chức trang trọng với đầy đủ các nghi thức như lễ cúng Phật, lễ dâng hương, lễ cúng đàn trần tế cầu phúc và lễ cúng Tổ. Những nghi thức này diễn ra ở khu vực nội tự với sự tham dự của đông đảo người dân địa phương và những đoàn khách hành hương.
Sau khi hoàn tất các lễ nghi cúng bái, cầu nguyện, bạn sẽ được hòa mình vào bầu không khí lễ hội sôi động với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như đấu cờ tướng, bóng bàn, thi thả chim bồ câu. Ngoài ra còn có các hoạt động biểu diễn và giao lưu nghệ thuật như ngồi thuyền rồng hát Quan họ và hát Chèo.
Ảnh: @minh.ngoc
6. Một số lưu ý khi tham quan Chùa Bút Tháp
Để hành trình du lịch và chiêm bái "đệ nhất cổ tự" thêm phần ý nghĩa và trọn vẹn thì sau đây là một vài lưu ý mà bạn cần nắm trước khi viếng Chùa Bút Tháp Bắc Ninh nhé!
- Thời gian nhận khách hành hương đến viếng chùa sẽ kéo dài trong khoảng 8:30 - 21:00. Hãy sắp xếp lịch trình di chuyển hợp lý để có nhiều thời gian thăm thú, check-in và cầu nguyện.
- Chùa Bút Tháp là chốn thờ tự linh thiêng, vậy nên hãy ăn mặc sao cho lịch sự, kín đáo. Đồng thời không đùa giỡn, cười nói quá to ảnh hưởng đến vẻ trang nghiêm của ngôi chùa.
- Những món cổ vật được lưu giữ tại chùa có giá trị lịch sử hàng trăm năm, do đó đừng nên tùy ý đụng chạm hay di dời vị trí của chúng nhé.
- Mặc dù nhà chùa không có quá nhiều quy định khắt khe đối với du khách thập phương có lòng tín ngưỡng phập pháp, tuy nhiên bạn hãy đọc thật kỹ những quy định của chùa để chuyến tham quan thêm phần trọn vẹn.
Trải qua hàng trăm năm với những thăng trầm và biến đổi, Chùa Bút Tháp vẫn tồn tại một cách diệu kỳ như một chứng nhân lịch sử kiên cường. Hãy một lần ghé thăm Chùa Bút Tháp Bắc Ninh để thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị văn hóa - tâm linh vĩnh cửu.
Xem thêm: