Tháp Chàm Poshanư là một trong những tàng tích hiếm có của Vương quốc Chăm Pa còn sót lại. Đây là công trình mang phong cách Hoà Lai tiêu biểu của kiến trúc cổ Chăm Pa. Dù không có quy mô hoành tráng như thánh địa Mỹ Sơn hay Ponagar nhưng tháp Chàm Poshanư vẫn chứa đựng nhiều nét tinh hoa tiêu biểu của văn hoá người Chăm.
1. Vị trí của Tháp Chàm Poshanư
Tháp Chàm Poshanư còn được gọi là Tháp Chàm Po Sah Inư, Tháp Chăm Phố Hài hay Đền Po Sah Anaih. Đây là một đền thời Ấn Độ giáo của Vương quốc Chăm Pa xưa. Di tích nằm trên đồi Bà Nài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7km về phía Đông Bắc. Tháp Chàm Poshanư là một trong những cụm di tích còn giữ được tương đối nguyên vẹn kiến trúc từ thủa xưa.
@wanderingwheatleys
Để đến thăm Tháp Chàm Poshanư, trước tiên bạn phải đến được thành phố Phan Thiết. Từ Sài Gòn, bạn có thể chọn đi bằng xe máy, xe khách hoặc máy bay. Nhưng phương tiện lý tưởng nhất là xe khách, có giá từ 120k - 130k/vé.
Tuyến đường đi gần 200km chạy dọc theo cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây/ĐCT01 và QL1A. Sau khi đến Phan Thiết, bạn thuê xe máy hoặc bắt xe ôm, xe taxi tới Tháp Chàm Poshanư để tham quan.
Xem thêm: Hướng dẫn đường đi trên Google map
@nguyenthtu__
2. Lịch sử của Tháp Chàm Poshanư
Tháp Chàm Poshanư được người Chăm xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX. Mục đích xây dựng ban đầu là để thời thần Shiva - một trong ba vị thần chính của Ấn Độ giáo.
Đến thế kỷ XV, người Chăm Pa đã xây thêm một số đền thờ tại đây với lối kiến trúc đơn giản hơn để thời công chúa Po Sha Inư - con gái của vua Para Chanh. Nàng là người có tài, có đức và biết cách ứng xử tài tình nên được người dân lúc bấy giờ vô cùng yêu quý.
@inebeateg
Trải qua nhiều năm lịch sử, đến năm 1992 - 1995, những cuộc khai quật khảo cổ đã được thực hiện tại nơi này. Người ta đã phát hiện ra nhiều nền móng của những ngôi đền Chăm Pa đã bị vùi lấp từ hàng trăm năm nay. Cho đến lúc này, tháp mới được gọi là Poshanư.
Sau khi được phát hiện, Tháp Chàm Poshanư đã được chính quyền tỉnh Bình Thuận liên tục tu bổ, tôn tạo, giữ gìn để hậu thế được chiêm ngưỡng tinh hoa nghệ thuật mà người Chăm đã tạo nên.
@mithunonthenet
3. Vẻ đẹp độc đáo của Tháp Chàm Poshanư
Tháp Po Sah Inư mang lối kiến trúc Hoà Lai có niên đại nửa đầu thế kỷ IX. Tuy không to lớn, đồ sộ nhưng xứng đáng là một tuyệt tác của dân tộc Chăm Pa.
Tòa tháp nổi bật với các vòm cửa nhiều mũi tròn, các cột trụ hình bát giác và các chi tiết trang trí hình lá uốn cong. Tháp được xây từ nguyên liệu chính là gạch đỏ, gắn kết với nhau bằng một chất kết dính đặc biệt mà tới tận ngày nay vẫn chưa ai có thể khẳng định chính xác nó là gì.
@mithunonthenet
Thiết kế tháp hình vuông, càng lên cao càng nhỏ lại. Cửa tháp hình vòm được trang trí bằng nhiều chi tiết hoa văn đặc sắc. Cụm tháp bao gồm 1 tháp chính cao khoảng 15m và 2 tháp phụ. Các chi tiết trang trí trên tường và đỉnh tháp đều có tính đối xứng.
@mithunonthenet
Cửa chính của tháp luôn cố định quay về hướng Đông. Theo quan niệm của người Chăm, hướng Đông chính là hướng các thần linh cư ngụ. Bên trong tháp chính đặt bệ thờ Linga - Yoni bằng đá. Các tháp phụ là nơi thờ thần Bò Nanđin - vật cưỡi của thần Shiva. Tháp phụ còn lại thờ thần Lửa nhưng hiện nay chỉ còn lại ít di tích.
@janettodesu
4. Những lễ hội đặc sắc tại Tháp Chàm Poshanư
Hàng năm, người Chăm từ các vùng lân cận tới nơi đây viếng thăm, cầu mưa, cầu bình an và tổ chức các lễ hội văn hóa đặc sắc. Hãy hòa mình vào không khí lễ hội và ghi lại từng khoảnh khắc đẹp nhất nhé!
- Lễ hội Rija Nưgar: Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất của người Chăm, tương tự như Tết Nguyên Đán của người Việt. Hội Rija Nưgar được tổ chức vào ngày thứ Năm và thứ Sáu đầu tiên của tháng Giêng Chăm lịch (khoảng tháng 4 dương lịch). Trong hai ngày diễn ra lễ hội, người dân sẽ dâng lễ bái tạ thần linh và tổ tiên rồi cùng nhau ăn mừng trong điệu nhạc cổ truyền.
@maxat_gr
- Lễ hội Poh Mbăng Yang: hay còn gọi là Lễ mở cửa tháp. Đây là lễ mở đầu cho năm lễ cúng tế đền tháp, thường diễn ra vào thượng tuần trăng tháng 11 theo lịch Chăm. Trong buổi lễ, người Chăm dâng lễ vật nhằm cầu xin các vị thần đền tháp ban cho con dân được khoẻ mạnh, mưa thuận gió hoà, được phép khai trương, đắp đập, chuẩn bị cho mùa màng.
@imtamho
- Lễ hội Katê: được tổ chức vào ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng 25/9 đến 25/10 Dương lịch). Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ những người đã khuất, những vị anh hùng dân tộc được người chăm tôn vinh làm thần. Lễ hội được chia thành phần lễ (thời gian diễn ra các nghi thức) và sau đó là phần hội (để người dân vui chơi).
@hongnhuy
Nếu không đi vào thời gian diễn ra lễ hội, du khách đến thăm Tháp Po Sah Inư vẫn có thể thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đậm nét văn hoá Chăm Pa do người dân biểu diễn. Các nghệ nhân dệt vải thủ công cũng thường xuyên trình diễn tại đây.
5. Điểm du lịch gần Tháp Chàm Poshanư
Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của Tháp Chàm Po Sah Inư, bạn có thể ghé qua các địa điểm du lịch gần đó để tham quan.
- Trường Dục Thanh cách Tháp Chàm Poshanư 7km - 8km. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy học trước khi vào Sài Gòn để ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Bạn được vào thăm trường Dục Thanh miễn phí và có thể thuê hướng dẫn viên du lịch để tìm hiểu rõ hơn về ngôi trường.
@im.thinhpn
- Vạn Thuỷ Tú cách Tháp Chàm Poshanư 8km - 9km. Đây là nơi thờ thần Nam Hải của người dân làng Thuỷ Tú, một trong những làng nghề biển cổ xưa nhất ở Bình Thuận.
@neveronl
- Lâu đài Rượu Vang RD cách Tháp Chàm Poshanư 8km - 9km. Công trình được xây dựng với kiến trúc phong cách Châu Âu vô cùng nguy nga, cổ kính. Giá vé tham quan từ 120k/người lớn.
@phthoa.d
Tháp Chàm Poshanư là một trong những di sản mang đậm tính văn hoá và nghệ thuật mà vương quốc Chăm Pa đã để lại cho hậu thế. Bạn hãy thử một lần đến thăm nơi này, khám phá vẻ đẹp độc đáo, kỳ bí của tháp nhé!