Welcome to Digiticket

Home Kinh nghiệm Du lịch Hà Nam Cập nhật kinh nghiệm đi Chùa Tam Chúc đầy đủ, mới nhất

Cập nhật kinh nghiệm đi Chùa Tam Chúc đầy đủ, mới nhất

Ngày đăng : 16/01/2024
Chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất Thế Giới. Cùng DIgiticket khám phá kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc đầy đủ và chi tiết nhất
Nội dung chính

Chùa Tam Chúc là một địa điểm du lịch tâm linh khá nổi tiếng đối với du khách trong nước và quốc tế. Đây là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến hiện tại với diện tích lên đến 5.100 ha với lối kiến trúc độc đáo. Vậy bạn còn chờ gì mà không set kèo cùng hội bạn ghé thăm ngay địa danh "nức tiếng" này.

1. Chùa Tam Chúc tọa lạc tại đâu?

Chùa Tam Chúc tọa lạc tại xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ngôi chùa nằm trong quần thể khu du lịch Tam Chúc đầy thơ mộng nên sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị và mới lạ.

Ngôi chùa chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 70 km nên rất phù hợp cho cả những chuyến đi ngắn ngày. Nơi đây cũng chỉ cách chùa Bái Đính ở tỉnh Ninh Bình khoảng 30km nên rất thích hợp cho du khách những chuyến đi kết hợp nhiều địa điểm du lịch văn hóa tâm linh.

chua tam chuc 1

Ảnh: @imthanhtam_

Không chỉ có Tam Chúc, Hà Nam còn rất nhiều các địa điểm du lịch khác nữa. Bạn có thể tham khảo: 

2. Nên thăm quan chùa Tam Chúc vào thời điểm nào?

Tam Chúc thì dù bạn ghé thăm vào mùa nào cũng đẹp rồi, mỗi mùa cảnh sắc nơi đây lại mang một vẻ đẹp riêng biệt. Như mùa xuân thì ngập trong sắc hoa, cây cối tươi xanh mơn mởn, còn mùa hè thì ánh nắng soi chiếu mặt nước óng ả. Mùa thu và mùa đông cây cối bắt đầu chuyển mình, nơi đây cảnh sắc lại mang chút đượm buồn.

Theo kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc của mình, bạn nên đi vào thời điểm mùa xuân, vào khoảng từ 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Đây là dịp lễ hội nên bầu không khí sẽ sôi nổi và sống động hơn. Đặc biệt, đây cũng là lúc để bái Phật, cầu bình an cho cả năm tới.

chua tam chuc 2

Ảnh: @halotravel.vn

3. Phương tiện di chuyển đến chùa Tam Chúc?

Hiện nay, tuyến đường Hà Nội - Hà Nam rất thuận tiện với nhiều cung đường. Thế nên, du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện để di chuyển: xe buýt hay xe khách tại bến Giáp Bát với nhiều lượt xe chạy trong 1 ngày và chỉ mất khoảng 1 tiếng di chuyển.

Và nếu bạn muốn chủ động hơn trong chuyến đi thì có thể lựa chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Cung đường dễ đi và thuận tiện nhất là chạy dọc trên quốc lộ 1A qua cầu Giẽ rồi cứ thế đi thẳng sẽ tới chùa Tam Chúc.

chua tam chuc 16

Ảnh: @minh_huyen0805

4. Các địa điểm thăm quan tuyệt đẹp tại chùa

Ngôi chùa sở hữu diện tích khá lớn nên sở hữu rất nhiều điểm thăm quan lý tưởng. Vì vậy, du khách có thể thỏa sức thăm quan chùa Tam Chúc mà không hề lo bị chán.

bản đồ chùa tam chúc

Ảnh: Bản đồ chùa Tam Chúc

Nhà Khách Thủy Đình

Đây sẽ là điểm thăm quan đầu tiên khi du khách đặt chân đến chùa Tam Chúc. Du khách sẽ dừng chân tại đây để mua vé và chuẩn bị lên thuyền di chuyển đến các điểm thăm quan khác.

Thủy Đình sở hữu một không gian thăm quan rộng lớn với khung cảnh được bày biện và thiết kế khá trang nghiêm. Xung quanh là những bức tranh bằng đèn led, mô tả được toàn cảnh của ngôi chùa. Đặc biệt, với khu vực tầng 3, du khách có thể thỏa mình check in chùa Tam Chúc và thu trọn khung cảnh sông nước trữ tình.

chua tam chuc 4

Ảnh: @nhimsoc13

Cổng Tam Quan

Để bước vào khu vực của chùa thì du khách cần phải đi qua Cổng Tam Quan. Nơi đây được xây dựng khá lớn với khu vực phía trước được thiết kế là khu vực bến thuyền và xe điện đưa đón du khách.

Cổng Tam Quan được thiết kế với những hoa văn và họa tiết đồ sộ, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Hai bên cổng là 2 con đường lớn để du khách di chuyển lên các chính điện lớn của chùa.

chua tam chuc 5

nh: @h.jessie_

Vườn Cột Kinh

Vườn Cột Kinh nằm trên cung đường di chuyển từ Cổng Tam Quan đến Điện Quán Âm. Sở dĩ gọi nơi đây là vườn Cột Kinh vì có lên đến 32 cột Kinh. Nơi đây được thiết kế và xây dựng dựa trên ý tưởng của chùa Nhất Trụ ở mảnh đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Các cột kinh của vườn được xây dựng từ đá xanh Thanh Hóa nên khá tráng lệ và chắc chắn. Mỗi cột nặng khoảng 200 tấn với thiết kế lấy hoa sen - loài hoa của Phật làm chủ đạo. Phần trên là nụ sen, còn phần chân là đài sen và đặc biệt phần thân là những lời răn dạy của Phật.

chua tam chuc 6

Ảnh: Sưu tầm

Tam Điện Chùa Tam Chúc

Tam Điện của chùa sẽ gồm 3 chính điện là Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ và Điện Quan Âm. Ở mỗi điện sẽ thờ phụng một vị Phật mang ý nghĩa thiêng liêng khác nhau. Du khách càng đi lên cao thì sẽ cảm nhận được khung cảnh đầy thơ mộng với những thác nước lớn và bao quanh là những hàng cây xanh cùng nhiều loài hoa đang thay nhau khoe sắc.

Mỗi điện điều sở hữu 4 bức phù điêu và những phiến đá trên tường được tạc thủ công bằng đá thu thập từ miệng núi lửa ở Indonesia. Mỗi bức phù điêu ở từng điện lại mang một câu chuyện khác nhau về cuộc đời của Phật. Nếu quan sát kỹ bằng mắt thường thì du khách có thể thấy rõ những dấu tích của nham thạch để lại.

chua tam chuc 7

Ảnh: @glenda411th

Đình Tam Chúc

Ngôi đình của chùa Tam Chúc tọa lạc ngay giữa hồ, xung quanh là sông nước mênh mông, trữ tình. Đình Tam Chúc được biết đến là nơi thờ Hoàng Hậu nhà Đinh là Dương Thị Nguyệt. Đây cũng là nơi lưu giữ những dấu tích lịch sử cổ đại từ thời nhà Đinh.

Ngôi đình gây ấn tượng với du khách nhờ mặt hồ có 6 quả núi nhỏ nhô lên. Hồ cũng sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật thiên nhiên sinh sống. Đặc biệt là vào mùa sen nở, du khách dạo bước trên hồ sẽ cảm nhận như đang lạc vào một chốn tiên cảnh nên thơ.

chua tam chuc 8

Ảnh: Sưu tầm

Đàn Tế Trời Chùa Ngọc

Đàn Tế Trời nằm ở một khu vực khá trắc trở, du khách sẽ phải di chuyển một quãng đường khá xa và vất vả. Nhưng khi đặt chân đến được nơi đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng nguy nga và xa xa là miền sông nước đằm thắm.

Chùa Ngọc được xây dựng hoàn toàn từ đá granite đỏ, các phiến đá được lắp ghép chứ không sử dụng đến keo hoặc xi măng. Có lẽ vì vậy mà dù diện tích sàn chỉ có 13m2 thôi nhưng ngôi chùa này có mức nặng khoảng 2000 tấn. Ngoài ra, nơi đây còn sở hữu những báu vật vô giá đặc trưng như thiên thạch mặt trăng có trọng lượng 5,5kg, có trị giá lên đến hơn 600.000 USD.

chua tam chuc 9

Ảnh: Sưu tầm

5. Góc check-in đẹp ngút ngàn của chùa

Góc check-in đầu tiên là khu vực sân trước Tam Điện. Với nét kiến trúc cổ kính cùng khoảng sân rộng phía trước, du khách chỉ cần dùng một chiếc máy chụp góc rộng là đã thu vào cả một khung cảnh hùng vĩ, tuyệt đỉnh.

chua tam chuc 10

Ảnh: @violapham212

Một góc sống ảo tuyệt đẹp khác cũng khiến nhiều bạn trẻ phải dừng chân để "chụp choẹt". Đó chính là khu vực Nhà Khách Thủy Đình. Một nơi sở hữu vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc, lại mênh mang sông nước trữ tình.

chua tam chuc 11

Ảnh: @thichanbun

Bến thuyền tại Cổng Tam Quan cũng là một địa điểm sống ảo "cực đỉnh" tại chùa Tam Chúc. Những chiếc thuyền đưa đón du khách cũng được thiết kế nhiều chi tiết tỉ mỉ và cực tráng lệ với những hoa văn được điêu khắc cầu kỳ.

chua tam chuc 12

Ảnh: @chan_changg_

Một ngôi đình nho nhỏ với những vết tích kiến trúc lịch sử cũng tạo nên một góc sống ảo đầy cổ kính. Cả một ngôi đình được áo lên mình một màu nâu cổ kính tuyệt đẹp, thu hút du khách ghé thăm ngay từ ánh nhìn đầu tiên.

chua tam chuc 14

Ảnh: @venguyen.dn1995

6. Du khách có thể mua đặc sản gì về làm quà?

Phía bên ngoài chùa Tam Chúc, du khách có thể mua những đồ kỷ niệm hay cơm cháy, mè xừng, bánh củ sen,... làm quà. Ngoài ra, nếu du khách có thời gian thì có thể ghé những địa điểm nổi tiếng tại Hà Nam để mua đặc sản làm quà.

Nơi đây có những đặc sản làm nên thương hiệu như cá kho làng Vũ Đại, chuối ngự Đại Hoàng, mắm cáy Bình Lục, rượu làng Vọc, bánh đa Kiện Khê,... Và nhiều món đặc sản độc đáo khác mà bạn có thể tìm thấy ở khắp nơi tại tỉnh Hà Nam.

chua tam chuc 15

Ảnh: Sưu tầm

7. Lưu ý khi du lịch thăm quan chùa Tam Chúc

Chùa Tam Chúc là một điểm du lịch văn hóa tâm linh và sở hữu diện tích khá lớn nên du khách cần lưu ý khá nhiều vấn đề:

  • Quần thể khu du lịch Tam Chúc sở hữu tổng diện tích là 4000ha nên du khách cần tham khảo bản đồ trước để tránh mất thời gian tìm đường hay bị lạc.
  • Lựa chọn những trang phục kín đáo, lịch sử nhưng vẫn thoải mái do cung đường di chuyển và đi lại khá nhiều. Đặc biệt, nên đi giày thể thao để việc di chuyển trở nên đơn giản và dễ dàng hơn
  • Khi bước vào các điện thờ của chùa, du khách cần phải bước vào từ cửa bên, không bước vào cửa chính giữa và không dẫm lên bậu cửa mà cần bước qua bậu cửa.
  • Du khách chỉ nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, nên hạn chế thắp hương bên trong chùa vì dễ ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí và chỉ cắm 1 nén, không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ

kinh-nghiem-di-chua-tam-chuc

Ảnh: @venguyen.dn1995

Với những thông tin về kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc - một trong những ngôi chùa lớn của Việt Nam. Digiticket hy vọng sẽ mang đến cho bạn những thông tin bổ ích cho chuyến du lịch ghé thăm chùa vào dịp sắp tới.

Ảnh đại diện thuộc bản quyền của @nhsonnnnn

Bài viết bạn quan tâm:

 

Đăng ký nhận khuyến mãi

© DIGITICKET 2024. All rights reserved.