Welcome to Digiticket

Home Kinh nghiệm Du lịch Hà Nội Đi chùa Hà cầu duyên: Kinh nghiệm, bài khấn, lưu ý cần nhớ

Đi chùa Hà cầu duyên: Kinh nghiệm, bài khấn, lưu ý cần nhớ

Ngày đăng : 16/01/2024
Với nhiều bạn trẻ, có lẽ chùa Hà không còn là địa điểm quá xa lạ. Với bài viết này, cùng Digi khám phá đi lễ cầu duyên tại chùa như nào cho linh.
Nội dung chính

Chùa Hà không biết từ bao giờ đã se duyên cho nhiều cặp đôi, đã nối duyên cho biết bao người đang đơn côi. Vậy nếu bạn đang "đơn côi lẻ bóng" và cần một người yêu thương, tận tình để bầu bạn thì hãy ghé ngay ngôi chùa này để cầu duyên đến.

1. Đôi nét về Chùa Hà

Chùa Hà hay còn được biết đến với tên gọi khác là Thánh Đức Tự. Đây là một ngôi chùa cổ nổi tiếng của Hà Thành được xây dựng từ thời Lý Thánh Tông. Ngôi chùa nằm nép mình trên một con phố nhỏ cùng tên là phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngôi chùa này thường được người dân đến cầu bình an, vạn sự hanh thông và đặc biệt là cầu tình duyên cực linh thiêng. Ngôi chùa thờ các vị Đức Ông, Đức Thánh Hiền, các vị Phật và tam tòa Thánh Mẫu.

chua ha 1

Ảnh: Sưu tầm

2. Lịch sử của chùa Hà

Ngôi chùa Hà Nội này mang trong mình lịch sử khá lâu đời và đã tồn tại qua nhiều năm tháng lịch sử thăng trầm. Ngôi chùa tương truyền được xây dựng vào thời vua Lý Thánh Tông với cái tên ban đầu là Thánh Đức Tự hay chùa Thánh chúa. Một phần là bởi đây là nơi vua đã cầu tự và sinh ra vị Thái tử Càn Đức.

Đến năm 1680, ngôi chùa được xây dựng và trùng tu lại bằng tiền công đức của hai người buôn bán ở làng Thể Bắc Giang và bà con địa phương tại kinh thành Thăng Long xưa. Những viên gạch vồ mái lá cũ đã được thay thế bằng gạch và ngói đỏ tươi. Sau đó, ngôi chùa được đổi tên thành chùa Hà và cùng với đình Bối Hà gần đó tạo thành một cụm di tích lịch sử nổi bật.

chua ha 2

Ảnh: Sưu tầm

3. Khám phá thiết kế độc đáo của chùa Hà

Chùa Hà - một trong các chùa cầu duyên ở Hà Nội vô cùng nổi tiếng. Ngôi chùa được quy hoạch trong một không gian khá thoáng mát với kết cấu hình chữ Đinh truyền thống. Phía ngoài cùng là cổng Tam quan được xây hai tầng với khu vực tầng trên xây theo lối chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù. Còn với khu vực tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường.

Đi qua cổng tam quan là đến một khu vườn với không khí trong lành và mát mẻ, nơi đây còn có hồ nước và đa dạng nhiều loại cây. Bên cạnh hồ nước là các bia đá Thánh Đức tự bi mới được phục chế gần đây. Ngoài ra, ở bên phải trước cửa chùa Hà cũng đặt 18 tấm bia hậu được tạo vào cuối thời Nguyễn.

chua ha 10

Ảnh: Chi Vũ

Chùa Hà còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử lớn như bát hương, chĩnh, ang, vại,... Nhưng đặc biệt nhất vẫn là chuông đồng Thánh Đức được đặt ở khu vực tầng hai Tam Quan. Đây là một di vật lịch sử từ thời Tây Sơn và đã được chùa bảo quản nguyên vẹn. Chuông được đúc tinh tế với từng nét hoa văn, phần trên bốn múi chuông được khắc nội dung văn chuông, phần dưới được khắc tứ linh "long ly quy phượng" cách điệu nhưng hiện lên rất sống động.

chua ha 4

Ảnh: Sưu tầm

4. Cách di chuyển đến chùa Hà

Chùa Hà chỉ cách khu vực trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 7 km nên rất thích hợp cho nhiều phương tiện kể cả phương tiện cá nhân và công cộng. Với các phương tiện cá nhân, bạn sẽ không phải lo lắng tìm đường hay sợ bị lạc vì hướng di chuyển đều nằm trên những con phố lớn.

Với phương tiện công cộng là xe buýt, bạn có thể lựa chọn các tuyến xe phù hợp với điểm xuất phát của mình. Đây là tất cả những chuyến dừng khá gần khu vực chùa gồm tuyến 16, 26, 27, 32, 34, 49, 96. Lưu ý để xuống đúng điểm chùa Hà thì bạn nên nhờ người phụ xe nhắc điểm xuống cho mình.

chua ha 5

Ảnh: Sưu tầm

5. Hướng dẫn cách di chuyển đến chùa Hà

Nhiều bạn trẻ lần đầu ghé thăm chùa Hà sẽ còn khá bỡ ngỡ và lúng túng, không biết cầu duyên như nào cho đúng và hợp quy tắc. Trước hết, đến chùa dù cầu bình an hay cầu duyên thì đều cần phải thành tâm. Người xưa cũng thường nói có tâm đi chùa cầu duyên, cầu an là tốt và không nên đặt quá nặng vấn đề có xin được duyên hay không.

Khi đi lễ tại chùa, bạn cũng nên chuẩn bị kỹ đồ lễ và chia thành 3 mâm lễ cho từng ban thờ:

  • Mâm lễ tại ban Tam Bảo: gồm thẻ hương, hoa tươi, bánh kẹo, nến, hoa quả tươi, sớ ban Tam Bảo. Và lưu ý rằng ban Tam Bảo thờ Phật nên không cúng những món mặn như thịt, rượu,... và đặc biệt là không cúng tiền vàng.
  • Mâm lễ tại ban Đức Ông: gồm tiền vàng, rượu, chè, thuốc, đồ mặn, sớ ban Đức Ông. Ngoài ra, bạn cũng có thể soạn lễ tại ban Đức Ông như bộ lễ tại ban Tam Bảo, nhưng ban Đức Ông nên có thêm một tập tiền vàng.
  • Mâm lễ tại ban thờ Mẫu: gồm hoa tươi, tiền vàng, trầu cau, bánh kẹo, tiền lẻ. Sau đó, bạn viết sớ rồi đặt vào mâm lễ này và cầu duyên tại Điện Mẫu.

chua ha 9

Ảnh: Chi Vũ

Ngoài ra, khi đi cầu duyên, bạn cũng nên đi theo thứ tự thắp hương và khấn lễ để mọi việc được bình an và suôn sẻ. Đầu tiên, bạn sẽ xếp lễ ở gian nhỏ bên cạnh gian thờ chính để dâng lên từng ban. Bạn dâng lên là 3 ban chính gồm ban Tam Bảo, ban Đức Ông và ban thờ tam tòa Thánh Mẫu ở Điện Mẫu.

Sau khi đã dâng đồ lễ, bạn sẽ thắp 5 nén hương, cắm 1 nén ở lư hương, 1 nén ở ban thờ Đức Ông, 1 nén ở ban thờ Tam Bảo, 1 nén ở ban thờ Đức Thánh Hiền và 1 nén ở ban thờ Mẫu. Mỗi ban thờ bạn sẽ vái 3 vái. Tiếp theo, bạn sẽ khấn lễ ở từng ban với ban Đức Ông, bạn sẽ cầu công danh tài lộc, ban Tam Bảo bạn sẽ khấn cầu bình an và đến ban thờ Mẫu, bạn sẽ cầu đường tình duyên thuận lợi. Cuối cùng, bạn vái hai Đức Hộ Pháp và hai vị Thập Nhị Diêm Vương ở hai bên 3 vái.

chua ha 6

Ảnh: Nguyễn Cẩm Tú

Tham khảo: 

 Chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cầu an, cầu duyên linh thiêng đẹp nhất Việt Nam 

6. Bài văn khấn cầu Duyên tại Chùa Hà

Khi khấn xin, dù bạn làm lễ tại chùa Hà hay bất cứ ngôi chùa và điểm du lịch tâm linh khác, hãy luôn nhớ rằng một bài khấn cầu duyên chùa Hà nên có đủ 5 điều gồm tạ – sám hối – hứa – xin – lễ. Cụ thể, bài văn khấn cầu duyên tại chùa Hà như sau:

"Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Kính lạy đức Ngọc Hoàng Thượng Đế

Kính lạy đức Cửu trùng Thanh Vân lục cung Công chúa

Kính lạy đức Thiên tiên Quỳnh Hoa Mẫu Liễu Hạnh

Kính lạy đức Đệ Nhị Bà Chúa Sơn Lâm Mẫu Thượng Ngàn

Kính lạy đức Đệ Tam Mẫu Thoải

Con tên là:... Sinh ngày:... (Âm lịch) Trú tại:...

Hôm nay ngày... (Âm lịch), con đến Thánh Đức Tự thành kính lễ đội ơn Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải đã phù hộ độ trì cho gia đình con trong suốt thời gian qua (tạ).

Chúng con người trần mắt thịt, nếu có điều gì lầm lỡ, kính mong các Mẫu tha thứ bỏ qua đại xá cho (sám hối).

Con xin hứa sẽ cố gắng sửa đổi bản thân tốt đẹp hơn, nguyện làm việc thiện, tránh làm việc ác (hứa).

Cầu xin các Mẫu xót thương cho con vì nay nhân duyên cho hôn nhân trăm năm chưa đến mà ban cho con duyên lành như ý nguyện, cho con gặp được người có tâm có đức, có tài có chí, tâm đầu ý hợp, chung thủy bao dung, cho con sớm nên duyên vợ chồng (hoặc cho con sớm có người nên duyên đôi lứa cùng chia buồn, vui trong cuộc sống này).

Con nay lễ bạc tâm thành trước các Mẫu, cúi xin được phù hộ độ trì để có nhân duyên như sở nguyện.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Cẩn cáo! (vái 3 vái)"

chua ha 8

Ảnh: @van_bong

7. Những chú ý khi đi chùa Hà cầu duyên

Chùa Hà cũng là một điểm du lịch văn hóa tâm linh và cũng là nơi trang nghiêm, lịch sự nên khi ghé thăm nơi đây, bạn cũng phải lưu ý khá nhiều vấn đề như:

  • Khi làm lễ, khấn xin, hãy thành tâm mong gặp được người trong mệnh của mình, cầu gặp được người tâm đầu ý hợp, chung thủy, tài đức, vị tha, thấu hiểu. Nhưng điều quan trọng là sự “tín tâm, thành tâm và tin tưởng”. Khi các bạn gửi gắm ước nguyện của mình tới Phật Thánh, các ngài chứng giám cho tâm thành của bạn và sẽ ban cho điều may mắn, se duyên cho người cầu.
  • Khi đi lễ cầu tình duyên tại chùa Hà, bạn nên đi một mình và chỉ cần soạn lễ đơn giản, không cần quá cầu kỳ, nhưng thành tâm.
  • Bước vào dù bất cứ ngôi chùa nào, hãy đều ăn mặc nghiêm túc với áo kín cổ, quần dài. Chú ý lời nói của mình, không nói ra những lời báng bổ hay những câu nói không tốt, mang điềm xấu.
  • Tắt chuông điện thoại và không gây ồn ào trong chùa làm phá hỏng bầu không khí uy nghiêm và thanh tịnh của chùa.
  • Hãy chọn ngày tốt lành để đi lễ cầu duyên. Nếu bạn làm lễ vào mùng 1 hoặc ngày rằm là tốt nhất nhưng những ngày này chùa Hà thường rất đông, sẽ hơi khó để bạn làm lễ.

chua ha 3

Ảnh: Sưu tầm

Với những chia sẻ về ngôi chùa cầu duyên "nức tiếng" nhất Hà Thành này, Digiticket hy vọng sẽ giúp bạn gặp được tình yêu đích thực và định mệnh của mình nhé. Vậy bạn còn chờ gì mà không chuẩn bị đồ lễ để cầu duyên tại chùa Hà.

Ảnh đại diện thuộc bản quyền của @van_bong

Bài viết bạn quan tâm:

 

Đăng ký nhận khuyến mãi

© DIGITICKET 2024. All rights reserved.