Hội An là nơi mà dường như dòng chảy vô tình của thời gian chẳng thể nào vùi lấp đi cái không khí cổ xưa. Sự hoài cổ bay bổng trong không khí, trong mùi nhang thơm dịu dàng cuốn ta vào sự bình yên. Và đặc biệt hơn cả là những ngôi nhà cổ Hội An dung dị, đơn sơ nhưng mang tinh hoa cả trăm năm. Cùng Digiticket khám phá 4 nhà cổ nổi tiếng nhất để bạn có cái nhìn rõ nét hơn về nơi đây.
1. Nhà cổ Tấn Ký Hội An
- Địa chỉ: Số 101 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Nhà cổ Tấn Ký là ngôi nhà cổ Hội An đầu tiên được UNESCO vinh danh Di sản Quốc gia. “Bảo tàng sống” giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc đặc trưng cổ xưa. Nơi đây đã trải qua bao thăng trầm suốt 200 năm lịch sử cùng 7 thế hệ nhà họ Lê.
Sự giao thoa hoàn hảo của 3 nền văn hóa: Việt Nam - Nhật Bản - Trung Hoa tạo nên nét độc đáo trong kiến trúc. Lữ khách dừng chân sẽ được lắng nghe thuyết minh đầy ấn tượng.
Ảnh: @hoanglinhha
Ngôi nhà phố cổ Hội An này vẫn còn lưu giữ lưu giữ rất nhiều cổ vật quý giá, mang ý nghĩa nhân sinh quan tích cực. Đặc biệt ở đây còn giữ bộ liễn đối "Bách Điểu" viết bằng 100 nét. Mỗi đường nét đều như chim đang bay, được giới khảo cổ đánh giá là độc nhất vô nhị. Chính những giai thoại gắn với cổ vật khiến ngôi nhà phủ sắc màu nhiệm, vĩnh cửu theo thời gian.
Ảnh: sưu tầm
Bước chân vào bên trong, bạn sẽ ngỡ được quay ngược thời gian cả trăm năm trước. Xung quanh trưng bày những món đồ cổ quý giá. Nổi bật nhất phải kể đến là chiếc “Chén Khổng Tử”, báu vật vô giá mà ai cũng ao ước ngắm nhìn. Ngôi nhà cổ Hội An này đã thu hút nhiều ekip dài truyền hình, phóng sự, và được là nơi tiếp đón những Nguyên Thủ Quốc gia, chính khách trong nước và quốc tế.
Ảnh: sưu tầm
Ngoài ra, tại khu vực Hội An, bạn có thể tham khảo thêm các địa chỉ chụp hình đẹp nhất:- Đắm say trước vẻ đẹp rực rỡ của giàn hoa giấy Hội An Quảng Nam
- Chia sẻ kinh nghiệm check-in phố đi bộ ở Hội An “cực chuẩn”
2. Nhà cổ Đức An - nhà gỗ Hội An
- Địa chỉ: số 129 đường Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Tọa lạc tại trung tâm phố Hội, nhà cổ Đức An nép mình trầm mặc bên Chùa Cầu. Công trình nhà cổ Hội An được xây dựng từ năm 1830, vào thời vua Minh Mạng. Ngôi nhà do cụ tổ họ Phan để lại cho con cháu. Nơi này được coi là một điểm khởi nguồn và nơi thắp sáng cho tình yêu nước của những người con miền Trung. Bao nhiêu năm là chứng nhân lịch sử, nơi đây gắn với những vị anh hùng xuyên suốt hành trình kháng chiến xưa.
Ảnh: sưu tầm
“Đức An” hàm nghĩa là “giữ gìn đạo đức để bình an”. Hiệu sách của gia tộc họ Phan là nơi lui tới các nhà yêu nước kháng Pháp như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp... Sau đó còn trở thành nơi truyền bá chủ nghĩa yêu nước tới nhân dân và tầng lớp trí thức.
Đến năm 1930, Đảng ủy cũng chọn nơi đây để liên lạc và tổ chức họp. Nhà yêu nước Cao Hồng Lãnh cũng được sinh ra tại đây. Ông đã hiến dâng cả cuộc đời cho Cách Mạng, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng và là niềm tự hào bao thế hệ.
Ảnh: sưu tầm
Đến căn nhà ở phố cổ Hội An này, du khách du lịch sẽ có dịp chiêm ngưỡng các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với Trung Hoa. Mái ngói ngôi nhà không chỉ tôn lên vẻ đẹp mượt mà, đều tăm tắp mà còn được tính toán theo luật phong thủy âm dương ngũ hành. Sự hòa hợp hai mái chồng lên nhau tạo nên sắc thái riêng biệt. Đây là kiểu nhà “mái chồng mái trốn lầu” độc nhất còn sót lại ở mái nhà cổ Hội An này.
Ảnh: sưu tầm
Toàn bộ hệ thống mặt tiền, xà trần nhà đều được làm từ gỗ. Nguyên liệu gỗ kiềng kiềng chỉ có tại đất Quảng Nam. Điêu khắc tinh tế trong nội thất tạo ra từ đôi bàn tay tỉ mỉ của những nghệ nhân của làng mộc Kim Bồng. Tất cả được đóng dựng chắc chắn, có công năng chịu lực và mở rộng không gian. Cả ngôi nhà cổ Hội An sừng sững như thách thức sự khắc nghiệt mảnh đất miền Trung đầy nắng gió.
3. Nhà cổ Phùng Hưng Hội An
- Địa chỉ: số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Phùng Hưng nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa. Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhà cổ Hội An vẫn giữ được nét đẹp xưa cổ trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch,…
Được xây dựng vào đầu thế kỉ XIX, thời phồn thịnh của Phố Hội, nơi đây trở thành nguồn tài liệu chân thực và quý giá về nghệ thuật và lối sống của tầng lớp thương nhân xưa.
Ảnh: @krisloves.totravel
Chủ sở hữu đầu tiên của căn nhà là một thương gia Việt Nam vô cùng giàu có. Cái tên Phùng Hưng cũng bộc lộ mong muốn sự phồn thịnh, ấm êm cho con cháu muôn đời sau. Khác biệt so với những nhà cổ Hội An khác, nơi đây có cấu trúc thiết kế hai tầng. Diện mạo bề thế, không gian rộng rãi, thoáng đạt. Đặc biệt là những chùm hoa, chậu cây kiểng bao quanh rực rỡ, sắc màu bắt mắt tô điểm cho nhan sắc Phùng Hưng.
Ảnh: sưu tầm
Nhà được dựng từ hơn 80 cột chính, chất liệu hoàn toàn bằng gỗ lim. Tất cả được đặt trên chân đá được gọt giũa tỉ mỉ để tránh việc tiếp xúc giữa chân cột với mặt đất. Những cánh cửa được lắp đặt khéo léo, sập thông lên gác trống để linh hoạt cho di chuyển. Điều đó đặc biệt cần thiết với tình hình lũ lụt triền miên ở nơi đây.
Ảnh: sưu tầm
4. Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên - nhà cổ Hội An đẹp
Thêm một gợi ý tuyệt vời cho những du khách muốn khám phá những căn nhà cổ Hội An. Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên là "nàng thơ" với nét đẹp riêng bởi những gam màu nổi bật, khác biệt giữa Phố Hội. Mặc dù lớp bụi thời gian phần nào làm lu mờ, song căn nhà vẫn đậm nét tinh tế và kiêu sa, mộc mạc đơn sơ nhưng chưa bao giờ xưa cũ.
Ảnh: Sao Media
Gia đình họ Diệp có truyền thống sưu tầm đồ cổ. Từ những chiếc bát gốm Chu Đậu, bình vôi đáy Cù Lao Tràm, tới bộ sưu tập ấn chương, những cuốn thư tịch cổ… trang sức đá mã não, trâm cài, gương soi… của những mỹ nữ thời xưa.
Men theo cầu thang gỗ, bạn còn có thể chiêm ngưỡng bàn làm việc của Vua Bảo Đại, bàn trang điểm của Nam Phương Hoàng Hậu. Mỗi món cổ vật đều ẩn sâu bên trong những câu chuyện riêng, có sức hấp dẫn mãnh liệt.
Ảnh: Sao Media
Qua bao thế hệ, nhà họ Diệp cha truyền con nối, căn nhà vẫn vẹn nguyên "như thuở hồng hoang". Thậm chí trận lũ kinh khủng năm 1964 gây hư hại bao công trình, nơi đây vẫn sừng sững mặc sự băng hoại của thời gian.
Chủ nhân hiện nay, ông Sùng dành cả đời để bảo vệ và không ngừng bổ sung những cổ vật vào bộ sưu tập quý. Khi tham quan căn nhà cổ Hội An này, du khách sẽ được thấy ông Sùng say mê, "thổi hồn" cho câu chuyện hấp dẫn về hành trình, gốc tích từng món đồ.
Ảnh: sưu tầm
Lặng lẽ đi cùng năm tháng, lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đáng trân quý, nhà cổ Hội An đã trở thành một biểu tượng văn hóa, gắn bó và trở thành một phần “máu thịt” trong đời sống của người dân phố cổ. Vậy nên nếu có cơ hội, đừng chần chờ gì mà mau đến chiêm ngưỡng 4 nhà cổ trên. Và đừng quên chia sẻ với Digiticket những trải nghiệm và bức hình đẹp trong chuyến đi của bạn nhé!
Gợi ý những địa danh du lịch nổi tiếng Quảng Nam - bỏ lỡ là hối tiếc:- Công viên Ấn tượng Hội An
- Kinh nghiệm du lịch Hồ Phú Ninh Quảng Nam – Thiên đường của du lịch sinh thái
Ảnh đại diện thuộc bản quyền của Người Hội An Fanpage