Từ lâu, Huế đã nổi tiếng với những kiến trúc cung đình, lăng tẩm, thành quách... của vua chúa thời xưa. Nhưng bên cạnh đó, Huế còn có một di sản kiến trúc khác mà ít ai biết tới đó chính là kiến trúc nhà vườn. Trải qua hàng nghìn năm với vô số các loại hình nhà vườn thì tiêu biểu nhất vẫn là Nhà vườn An Hiên – nơi vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn mọi thứ từ kiến trúc cho đến quang cảnh nơi cố đô. Khám phá cùng Digiticket nhé.
Đôi nét về Nhà vườn An Hiên
- Địa chỉ: 58 Nguyễn Phúc Nguyên, xã Hương Long, Thừa Thiên – Huế
- Giờ mở cửa: 07h00 – 18h00 các ngày trong tuần
- Giá vé vào cửa: 35.000 vnd/người
Nhà vườn An Hiên được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, cũng giống như kiểu kiến trúc kinh thành và nhiều kiểu kiến trúc khác ở Huế, Nhà vườn An Hiên có mặt tiền hướng về dòng sông Hương thơ mộng và nằm ngay gần ngôi chùa Thiên Mụ nổi tiếng.
Ảnh: Sưu tầm
Nơi đây cũng đã từng trở thành tâm điểm và thu hút được khá nhiều sự quan tâm của cư dân mạng khi xuất hiện trong một bối cảnh của bộ phim chiếu rạp đình đám "Gái già lắm chiêu 3".
Nhà vườn An Hiên được ra đời trong bối cảnh khi vua Gia Long lựa chọn vùng đất Kim Long để xây dựng kinh thành mới bởi khu vực này có diện tích rộng rãi, thoáng đãng và có giá trị lịch sử, cảnh quan đẹp, giao thông thuận tiện. Chính bởi lẽ đó mà vùng đất này càng ngày càng thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới thế gia vọng tộc thời bấy giờ.
Ảnh: @n.babypinky
Chủ nhân của nhà vườn An Viên
Ông Nguyễn Đình Chi và bà Đào Thị Xuân là những gia chủ lâu đời và có học thức trong xã hội bấy giờ. Vậy nên có thể coi An Hiên vừa là tư gia, vừa là nơi lui tới của nhiều nhân sỹ trí thức, tao nhân mặc khách và là nơi chứa đựng cả những giá trị văn hóa tinh thần, cốt cách sống của những con người đáng trọng.
Sau này, khi đất nước thống nhất thì Nhà vườn An Hiên đã trở thành một địa chỉ văn hóa của vùng đất cố đô. Hàng năm, chủ nhân nơi đây đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách tham quan, du lịch cả trong và ngoài nước, các đoàn khách văn hóa, ngoại giao...
Cách đi tới nhà vườn An Hiên
Nhà vườn An Hiên chỉ cách trung tâm thành phố Huế 4,4km. Nếu bạn xuất phát từ trung tâm thành phố Huế thì chỉ mất 11 phút đi xe là bạn đã có thể đến được khu nhà vườn An Hiên.
Đầu tiên, bạn đi dọc theo đường Bùi Thị Xuân, sau đó đến khu vực cầu Dã Viên thì di chuyển qua vòng xoay Lê Duẩn rồi rẽ vào đường Kim Long. Cứ thế đi thẳng đường này tới số 58 là sẽ thấy được cổng của Nhà vườn An Hiên.
Ảnh: Sưu tầm
Vì ở đây không có người giữ xe nên nếu bạn có tới tham quan thì nhớ khóa xe cẩn thận nhé!
Những điều khiến du khách bị thu hút ở Nhà vườn An Hiên
Nhà vườn An Hiên luôn khiến các du khách tò mò bởi lối kiến trúc và những hiện vật cổ kính. Những ai có dịp tới Huế thì chắc chắn không thể nào bỏ qua cơ hội được tận mắt chứng kiến và cảm nhận không gian, quang cảnh thời xưa.
Kiến trúc lịch sử cổ kính
Quần thể khuôn viên nhà vườn An Hiên được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 5.000m2, có hình gần như vuông và luôn xanh ngắt màu lá cây. Khu nhà vườn bao gồm nhiều công trình dân dụng lớn nhỏ và được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống của Việt Nam, phương Đông và xứ Huế.
Ảnh: Sưu tầm
Nhà vườn An Hiên
Nhà vườn An Hiên có thể coi là một công trình kiến trúc tiêu biểu và mẫu mực của nhà vườn xứ Huế khi tuân thủ theo đúng nguyên tắc phong thủy của lối kiến trúc truyền thống phương Đông với tả - hữu, tiền – hậu đều có vật che chắn.
Ấn tượng đầu tiên khi bạn đặt chân đến Nhà vườn An Hiên chính là chiếc cổng vòm bình dị, cổ kính được xây bằng gạch vôi vữa phủ đầy rêu phong.
Phía trên đỉnh cổng được trang trí hình hổ phù, hai bên trụ cổng có 2 câu đối chữ Hán và phía trên vòm cổng là một bức hoành cuốn thư nổi có hai chữ An Hiên. Tất cả các chi tiết này đều được khảm bằng sành sứ nên trông rất nổi bật.
Ảnh: Sưu tầm
Hai chiếc cổng gỗ thì được thiết kế theo phong cách "thượng song hạ bản" với hình thức con tiện mang đậm nét văn hóa cổ truyền của kiến trúc Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
Từ cổng vào nhà, du khách sẽ được đi qua một lối nhỏ với những vòm cây mơ, cây mận đan xen vào nhau tạo nên chiều sâu và rợp bóng mát cho cả con đường.
Tấm bình phong đặc biệt
Kết thúc lối đi với hai hàng cây mơ, cây mận là một tấm bình phong có kiến trúc thanh thoát, nhẹ nhàng, ở giữa có hình chữ “THỌ” và hai bên có hai chữ “SONG HỶ”. Bên cạnh đó thì tấm bình phong này cũng có vai trò như một "tiền án" ở trước nhà.
Ảnh: @adriananhtuan
Tiếp đến phía sau bức bình phong là một bể nước hình chữ nhật được thả đầy những bông hoa súng, hoa sen và đây chính là yếu tố "minh đường" trong phong thủy kiến trúc nhà vườn thời xưa.
Từ bể nước nhìn ra phía trước mặt sẽ là ngôi nhà rộng 135m2 gồm 3 gian 2 chái và toàn bộ hệ khung kết cấu nhà đều được làm bằng gỗ, liên kết mộng hoàn toàn.
Ảnh: @anthony.hovnhcm
Nhà vườn An Hiên có tổng cộng 48 cột được chạm trổ hoa văn tinh xảo được đặt trên các bệ đá hình vuông cùng hệ thống vỉ kèo được làm bằng gỗ mít, đòn tay làm bằng gỗ kiền kiền và vách ngăn trong nhà được làm bằng gỗ lim.
Phần mái được lợp ngói liệt nhiều lớp, phần hai bên bờ mái đắp rồng chầu và ở giữa đỉnh mái có hình hoa sen.
Nội thất đậm chất xứ Kim Long
Không gian nội thất bên trong căn nhà được phân chia rõ ràng chức năng sử dụng bao gồm: Gian chính giữa là gian thờ được bài trí theo nguyên tắc “tiền Phật hậu Linh” (bàn thờ Phật đặt phía trước, tổ tiên đặt phía sau).
Hai gian hai bên là nơi chuyên dùng để tiếp khách theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ” (nam bên trái, nữ bên phải). Hai chái nhà là nơi ở và sinh hoạt cũng tuân thủ theo nguyên tắc nam bên trái, nữ bên phải.
Ảnh: @vanan711
Đặc biệt, Nhà vườn An Hiên có chứa rất nhiều những kỷ vật của nhà Nguyễn đã được chủ nhân mới cất công tìm lại như: Bức hoành phi đề 4 chữ “Văn Võ Trung Hiếu”, nhiều bài thơ của Vua Thành Thái, đá cẩm thạch đỡ cột nhà... được quy cố hồi hương, trở về lại chốn xưa.
Ngoài ra, ngôi nhà vườn này còn được các chủ nhân quá cố dành rất nhiều tâm huyết để bố trí và trang hoàng những bộ bàn ghế cổ, tủ chè xưa, bộ ấm chén uống trà đậm chất xứ Kim Long ở gian tiếp khách.
Chốn yên bình cây hoa nở bốn mùa
Không chỉ là một ngôi nhà có kiến trúc đẹp, chuẩn mực của kiểu kiến trúc nhà vườn xứ Huế, lưu dấu được nhiều những thăng trầm của thế hệ danh gia vọng tộc mà nơi đây còn thực sự là một không gian sinh thái với một vườn cây đầy hương sắc của ba miền đất nước cùng các loại hoa trái nở quanh năm.
Nhiều hàng cây, gốc cây tại Nhà vườn An Hiên đã có hàng chục năm tuổi ví dụ như hàng mơ ở lối vào đã được trồng từ những năm 1940.
Ngoài ra, còn có nhiều loại cây ăn quả, giống cây được đưa về đây để tụ hội như: Măng cụt, Sầu riêng, Thanh long… của miền Nam, Mơ, Hồng, Vải thiều… của miền Bắc và Thanh trà, Dâu, Vả… của miền Trung và Huế.
Xem thêm: Tour du lịch Huế 4 ngày 3 đêm cùng hội bạn
Ảnh: @dariamine
Các loài hoa ở đây cũng đặc sắc không kém khi mùa xuân hoa mơ nở trắng lối vào, mùa hè hoa súng nở đỏ rọi trên mặt nước… cùng rất nhiều các loài hoa khác thay nhau nở bốn mùa như: Trà my, Mộc, Mẫu đơn, Nhài, Hải đường, Thạch lựu, Sứ, Thủy tiên, Ngọc lan, Tường vy, Thiên lý, Hoàng Mai, Bạch Mai…
Các hoạt động có tại Nhà vườn An Hiên
Hiện nay, Nhà vườn An Hiên không chỉ là một địa điểm du lịch văn hóa của khách du lịch khi tới Huế mà còn là nơi để du khách thư giãn với chương trình ca Huế được biểu diễn trong ngôi nhà rường mới được dựng lên ở góc vườn.
Bên cạnh đó khi tới Nhà vườn An Hiên, du khách còn được thưởng thức món Bánh Cộ xứ Huế. Loại bánh này đang dần trở thành món đặc sản không thể thiếu để người con xứ Cố đô bày tỏ lòng thành kính với cha mẹ, gia tiên mỗi dịp đầu năm.
Ảnh: @caobaodien
Cũng giống như Bánh cốm Hải Dương, Bánh Cộ là một thức bánh cổ truyền của Huế, được làm tỉ mỉ, công phu từ các loại nguyên liệu mộc mạc, giàu dinh dưỡng như: Bột nếp, Bột đậu xanh, Hạt sen.
Bật mí một vài mẹo chụp ảnh tại Nhà vườn An Hiên
Nếu đã tới Nhà vườn An Hiên thì không thể nào bỏ qua tiết mục chụp ảnh rồi đúng không nào. Vậy nên mình sẽ chia sẻ cho bạn một vài mẹo nhỏ khi chụp hình tại Nhà vườn An Hiên để giúp bạn có những bức hình lung linh mang về nhé.
Chọn trang phục: Áo dài hay áo tứ thân, hoặc quần áo theo sở thích của bạn
Ảnh: @minhnhitn
Tiếp theo là hãy đeo những phụ kiện tối giản như: Một chiếc túi xách sáng màu, nón lá truyền thống hoặc chiếc khăn tơ bay bổng là người bạn đồng hành không thể thiếu của các bạn nữ khi tạo dáng. Các bạn nam thì có thể trưng dụng ấm trà men gốm hoặc kính râm để bức ảnh thêm phong cách nhé.
Ảnh: Sưu tầm
Cuối cùng là hãy tận dụng những nơi có ánh nắng ở Nhà vườn An Hiên ví dụ như Đệ An Hiên nổi tiếng với những góc nắng chan hòa. Khi đứng dưới tán cây xanh tươi, ánh nắng chiếu rọi đổ bóng xuống sân nhà rất thơ mộng, đây chắc chắn sẽ là một điểm chụp ảnh cực kỳ tuyệt vời.
Những điểm du lịch gần kề với Nhà vườn An Hiên
Để không lãng phí chuyến du lịch tại cố đố Huế thì du khách có thể đi tham quan một vài địa điểm gần kề với Nhà vườn An Hiên như:
Chùa Thiên Mụ
Đây là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng của vùng đất cố đô với 400 năm tuổi, nằm cách Nhà vườn An Hiên khoảng 1km.
Đặc biệt bên trong chùa còn có nhiều công trình kiến trúc đẹp như: Tháp Phước Duyên – một biểu tượng của chùa Thiên Mụ. Đây cũng là nơi được nhiều du khách check – in nhất khi tới tham quan chùa.
Tháp cao 21m, gồm 7 tầng và được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều được thờ tượng Phật và bên trong có cầu thang dẫn lên tầng trên cùng hình xoắn ốc cực độc đáo.
Hoàng thành Huế
Hoàng thành Huế nằm cách Nhà vườn An Hiên khoảng 3,5km. Khi tới đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đồ sộ, đền đài, miếu thờ bề thế bao gồm Cổng Ngọ Môn Huế, Tử Cấm Thành, Điện Thái Hòa, Trường Sanh Cung, Diên Thọ Cung, Duyệt Thị Đường, Càn Thánh điện, Kiến Trung điện, Cần Chánh điện...
Lăng Tự Đức
Nếu bạn thích khám phá và tìm hiểu về lịch sử thì không nên bỏ qua Lăng Tự Đức cách Nhà vườn An Hiên khoảng 7,6km. Đây là một quần thể kiến trúc gồm 60 công trình, được chia ra thành hai khu vực tẩm điện và lăng mộ.
Ảnh: Sưu tầm
Đồi Vọng Cảnh
Đồi Vọng Cảnh được hệ thống các lăng tẩm triều Nguyễn như: Lăng Đồng Khánh, Lăng Tự Đức, Lăng Thiệu Trị, Lăng Xương Thọ, Lăng bà Thánh Cung… bao quanh và cũng cách khu Nhà vườn An Hiên khoảng 7,6km.
Nhà vườn An Hiên dù trải qua hơn một trăm năm lịch sử với biết bao thăng trầm nhưng vẫn giữ được dáng vẻ điềm tĩnh, an nhiên trước một thành phố Huế đang ngày càng phát triển và nhộn nhịp.
Có thể bạn quan tâm: