Không chỉ nổi tiếng bởi những địa điểm ăn uống vui chơi xa hoa và nhộn nhịp, đâu đó giữa đất Sài Gòn vẫn có nhiều ngôi chùa trầm mặc và uy nghi mang đậm dấu ấn thời gian. Một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà Digiticket muốn giới thiệu đến bạn chính là Chùa Bà Thiên Hậu quận 5 Sài Gòn.
1. Chùa Bà Thiên Hậu ở đâu?
Chùa Bà Thiên Hậu có tên chính xác là Thiên Hậu Miếu, cũng được gọi là Chùa Bà Chợ Lớn. Ngôi chùa tọa lạc tại số 710 Nguyễn Trãi - Quận 5 - Thành phố Hồ Chí Minh, cạnh Hội Quán Tuệ Thành và cách phố đi bộ Nguyễn Huệ 7km. Nơi này được người dân địa phương biết đến như là ngôi chùa Hoa linh thiêng và cổ kính bậc nhất Sài Gòn. Ngoài ra, đây là một trong những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng nhất TPHCM mà các bạn FA không thể bỏ qua.
Ảnh: @phucle1204
Đường đến chùa không quá khó tìm. Bạn chỉ việc chạy thẳng theo trục đường Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương - Hồng Bàng rồi rẽ trái qua đường Lương Nhữ Học là tới. Nếu bạn là khách du lịch từ địa phương khác đến và không mấy rành đường thì cũng có thể hỏi người dân tại đây nhé.
2. Đôi nét về chùa Bà Thiên Hậu
Bạn biết gì về Bà Thiên Hậu và lịch sử chùa Bà Thiên Hậu Sài Gòn? Cùng Digiticket tiếp tục tìm hiểu ngay mục bên dưới nhé!
Sự tích Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu
Bà Thiên Hậu có tên thật là Lâm Mặc Nương, sinh ngày 23/3/1044 tại đảo Mi Châu - tỉnh Phúc Kiến. Ngay từ khi còn nhỏ bà đã bộc lộ những tài năng đặc biệt khi có thể quan sát thiên tượng và dự đoán thời tiết. Từ đó nhiều lần giúp được người dân trên đảo tránh khỏi nguy hiểm khi giong buồm ra khơi.
Ảnh: sưu tầm
Ngoài ra, có rất nhiều truyền thuyết miêu tả Lâm Mặc Nương là người phụ nữ có nhiều phép lạ. Bà cũng là vị nữ thần có công cảm hóa hai vị ác thần Thuận Phong Nhĩ - Thiên Lý Nhãn. Tương truyền rằng bà còn nhiều lần hiển linh cứu vớt ngư dân gặp nạn, giải trừ thủy tai – quái phong.
Sau khi nghe danh về quyền năng của bà, triều đình nhà Tống đã sắc phong cho bà là "Nam Hải thần nữ". Đến đời nhà Thanh gia phong là "Thiên hậu". Cũng chính vì được triều đình sắc phong như thế nên nhân dân càng thêm tin tưởng, sùng bái bà. Dần dần việc thờ cúng vị "Nam Hải Thần Nữ" trở thành một nét tín ngưỡng đặc sắc được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Lịch sử chùa Bà Thiên Hậu
Theo dòng lịch sử, tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu theo chân người Hoa đến với miền Nam Việt Nam. Ngôi chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng vào năm 1760 cạnh Hội Quán Tuệ Thành. Đến 7/1/1993, Chùa Bà Thiên Hậu được chính thức công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Ảnh: @lianna.bee
Vào ngày 22 và 23 tháng ba âm lịch hàng năm, lễ hội vía của Bà Thiên Hậu được tổ chức rất trang trọng và trở thành một phần không thể thiếu với người dân miền Nam. Đây cũng là điểm đến yêu thích cho những ai muốn tìm lại cảm giác bình yên.
3. Du lịch Chùa Bà Nguyễn Trãi có gì đặc sắc?
Không chỉ là điểm đến linh thiêng, Chùa Bà Thiên Hậu còn là nơi tham quan đặc sắc của nhiều du khách khi đến với Sài Gòn.
Khám phá nét kiến trúc độc đáo
Chùa Bà Thiên Hậu nổi tiếng là ngôi chùa đẹp ở Sài Gòn nổi tiếng linh thiêng. Tạo nét chấm phá độc đáo giữa lòng Sài Gòn, ngôi chùa mang nét đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa từ viên gạch, tấm ngói đến từng chi tiết trạm trổ cầu kỳ. Tất cả vật liệu xây dựng đều do thuyền buôn chở từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngôi chùa là tổ hợp 4 nhà liên kết với nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ "quốc" hoặc chữ "khẩu". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà có giếng trời giúp không gian thêm thoáng đãng, thoát khói hương.
Ảnh: sưu tầm
Tiền điện là nơi thờ phụng Phúc Đức Chánh Thần và Môn Quan Vương Tả. Tại khu vực trung điện bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn bộ lư Phát Lan quý hiếm, chiếc thuyền rồng được chạm trổ tinh xảo và chiếc kiệu sơn son thếp vàng dùng để rước Bà.
Khu vực hậu điện (hay còn gọi là chánh điện) là nơi nhang khói Thiên Hậu Thánh Mẫu (chính giữa), Kim Hoa Nương Nương (bên phải), Long Mẫu Nương Nương (bên trái). Tượng thờ các vị Quan Thánh, Địa Tạng và Thần Tài được đặt trang trọng ở hai gian phụ.
Đặc biệt, chùa Bà Thiên Hậu là nơi lưu giữ hơn 400 hiện vật cổ. Nổi tiếng nhất là bức tranh đắp nổi liên hoàn hình long ly quy phụng. Trên tường, vách hiên, mái chùa có gắn các phù điêu, bức tượng bằng gốm thuật lại các điển tích xa xưa. Bên cạnh đó là nhiều đỉnh trầm, lư hương, chuông đồng... có tuổi đời hơn 2 thế kỷ.
Ảnh: @duongduong15
Chụp hình lưu niệm
Ngôi chùa mang sắc đỏ và vàng chủ đạo mang đến sự sang trọng, huyền bí. Những bức tranh nhiều màu sắc khiến nơi đây trở nên thu hút hơn. Chính vì thế, chùa Bà Thiên Hậu Sài Gòn cũng là tọa độ check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ.
Ảnh: sưu tầm
Bạn có thể tìm thấy nhiều background xin sò để có ngay những bức ảnh sống ảo theo phong cách cổ điển. Như bức tường với những bảng sớ màu hồng, khoảng không gian giữa hai bức tường gạch cổ. Và đừng bỏ qua góc chụp "quốc dân" là những vòng nhang xoắn ốc treo lơ lửng trên cao rất độc đáo, ấn tượng.
Ảnh: @tt.vievy99
Cầu nguyện và xin xăm
Miếu Bà Thiên Hậu được người dân truyền tai nhau là nơi cầu tự rất linh thiêng. Sau khi tham quan các gian bên trong, bạn có thể dành chút thời gian để cầu nguyện và xin xăm. Bạn có thể viết lời khẩn cầu lên giấy ước nguyện treo cùng với vòng nhang. Cầu chúc tài lộc, an nhiên, hạnh phúc đến với bản thân và gia đình.
Ảnh: @hoangtuyen928
Tham gia các lễ hội diễn ra tại chùa
Chùa Bà Chợ Lớn hàng ngày vẫn đón tiếp người dân đến cúng bái, nhưng đông hơn là các dịp lễ, tết, ngày rằm. Nếu bạn muốn tham gia các lễ hội thì hãy đến vào ngày Vía Bà 23 tháng 3 âm lịch và Lễ Khai Ấn vào ngày 28 tết.
Ảnh: sưu tầm
Ngày vía Bà là ngày hội dân gian có quy mô hoành tráng với sự góp mặt của người Việt và cộng đồng người Hoa đang sinh sống tại Sài Gòn. Chùa tổ chức nhiều hoạt động như Lễ tắm bà, Lễ rước bà. Tượng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu được đặt trong chiếc kiệu sơn son thếp vàng và diễu qua các đường phố quanh chùa. Theo sau có thuyền rồng, múa lân, múa rồng, biểu diễn côn khúc,... góp phần làm cho buổi lễ thêm long trọng và náo nhiệt.
Ảnh: @lctaam1508
4. Các điểm tham quan gần Chùa Bà Thiên Hậu quận 5
Trong chuyến đi đến chùa Bà, bạn có thể đi đến nhiều điểm du lịch nổi tiếng gần đây.Chùa Ông - Hội quán Nghĩa An
Hội quán Nghĩa An (hay còn được gọi là Miếu Quan Đế hoặc Chùa Ông) là nơi cầu tình duyên vô cùng ứng nghiệm. Ngôi chùa chỉ cách Chùa Bà Thiên Hậu khoảng 120m. Chùa Ông cũng là một ngôi chùa Trung Hoa cổ có tuổi đời gần 300 năm.
Đến với Chùa Ông bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn bức tượng Phật dát vàng quý giá được thờ ở vị trí trang trọng nhất. Chiêm ngưỡng kiến trúc đậm chất Triều Châu với những đường họa chạm khắc cực kỳ tinh xảo.
Ảnh: @hongoctuyett
Chùa Quan Âm - Hội quán Ôn Lăng
Hội quán Ôn Lăng chỉ cách chùa Bà khoảng 300m. Bạn có thể gửi xe ở chùa Bà rồi đi bộ đến đây rất dễ dàng. Hội quán được xây dựng vào năm 1740, là điểm đến tâm linh rất nổi tiếng với việc cầu an, cầu tài, cầu lộc và cầu tự đầu năm.
Hội quán Tam Sơn
Cách chùa Bà khoảng 80m chính là hội quán Tam Sơn, được xây dựng bởi cộng đồng người Hoa gốc Phúc Kiến vào năm 1839. Hội quán Tam Sơn trước đây thờ cúng Kim Huệ Thánh Mẫu - Vị nữ thần phụ trách bảo hộ việc sinh nở theo tín ngưỡng người Á Đông. Vậy nên nhiều cặp vợ chồng hiến muộn thường tìm đến đây để cúng bái cầu tự.
Ảnh: @uluwatu80
5. Một số lưu ý khi tham quan Chùa Thiên Hậu
Đến thăm viếng Chùa Bà Thiên Hậu, bạn hãy chú ý một số điểm sau:
- Thời điểm thăm quan: Việc lựa chọn thời điểm tham quan cũng là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chuyến đi. Ngôi chùa mở cửa từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần, từ 06:00 - 11:30 và 13:00 - 16:30. Vậy nên bạn cần sắp xếp lịch trình tham quan sao cho hợp lý nhé.
- Gửi xe: Bạn có thể đậu xe ô tô, xe máy ở bãi giữ xe phía trước và đằng sau chùa.
- Trang phục và hoạt động: Chùa Bà Thiên Hậu là một nơi trang nghiêm và linh thiêng. Do đó bạn cần cân nhắc lựa chọn những bộ trang phục kín đáo, lịch sự. Đồng thời Digiticket khuyến khích bạn hãy hạn chế tối đa việc selfie hoặc tạo dáng không phù hợp tại chùa.
Ảnh: @lygiangdieu2505
Chùa Bà Thiên Hậu mang đậm những giá trị tín ngưỡng - tâm linh và lối kiến trúc Trung Hoa độc đáo. Nơi đây sẽ là trạm dừng chân bình yên hiếm có giữa mảnh đất Sài Thành náo nhiệt. Hãy đến tham quan và tìm hiểu những điều thú vị về ngôi chùa này nhé.
Mách nhỏ những ngôi chùa đẹp cực linh thiêng tại TPHCM:- Check-in chùa Bửu Long quận 9 - chốn tiên cảnh ngay giữa Sài Thành
- Bật mí cách cầu duyên, cầu tự ở chùa Ngọc Hoàng linh thiêng
Ảnh đại diện: sn.nita