Welcome to Digiticket

Home Kinh nghiệm Du lịch Ninh Bình Kinh nghiệm tham quan chùa Bái Đính chi tiết từ A - Z

Kinh nghiệm tham quan chùa Bái Đính chi tiết từ A - Z

Ngày đăng : 17/01/2024
Chùa Bái Đính là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, gắn liền với bề dày lịch sử . Quần thể này còn được vinh danh rất nhiều kỷ lục
Nội dung chính

Chùa Bái Đính thuộc quần thể du lịch tâm linh nổi tiếng của nước ta, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Không chỉ là chốn linh thiêng với những công trình kiến trúc độc đáo, ngôi chùa này còn được gắn với nhiều chữ nhất. Cùng theo chân Digiticket tìm hiểu thêm về chùa Bái Đính nhé!

1. Đôi nét về chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính là danh thắng tâm linh nằm ở phía Bắc quần thể du lịch Bái Đính Tràng An, được UNESCO công nhận là di sản thế giới và là di tích cấp quốc gia của Việt Nam. Hằng năm, chùa Bái Đính đón hàng ngàn phật tử và du khách tới hành hương và vãn cảnh chùa. 

chùa bái đính 1

Ảnh: Chùa Bái Đính

Theo tương truyền tên chùa bắt nguồn từ: Bái có nghĩa là lễ bái trời đất, Tiên Phật; Đính mang ý nghĩa là đỉnh, là ở trên cao. Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên Phật ở trên núi cao.

Chùa Bái Đính ngự trên núi Bái Đính, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viên, tỉnh Ninh Bình. Từ đây đến cố đô Hoa Lư khoảng 5km, đến khu du lịch Tràng An khoảng 12km. Chùa Bái Đính nổi bật với kiến trúc nguy nga, tráng lệ mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc, vẻ đẹp thanh tịnh uy nghiêm giữa khung cảnh non nước hùng vĩ. 

Tổng diện tích quần thể chùa Bái Đính rộng đến 1700 ha với nhiều công trình đồ sộ gồm: điện Quan Thế Âm, điện Tam Thế, điện Pháp chủ, cổng Tam Quan, Tháp chuông…

Chùa Bái Đính cũ và mới

Quần thể chùa Bái Đính bao gồm chùa Bái Đính cổ và chùa Bái Đính mới. Chùa Bái Đính mới được xây và khánh thành vào năm 2003. Hầu hết du khách viếng thăm Bái Đính sau khi trùng tu và mở rộng. Trên thực tế, ngôi chùa nổi tiếng miền Bắc này có tuổi đời gần 1000 năm, gắn liền với 3 triều đại phong kiến Việt Nam là Đinh, Tiền Lê và Lý. Đây cũng là những triều đại xem trọng và có sự quan tâm lớn đến Phật giáo. Đến nay, nhiều giấu ấn cũng như chứng tích của Phật giáo Việt Nam dưới các triều đại còn được lưu giữ tại chùa.

chùa bái đính 2

Ảnh: Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính là nơi thờ thần Cao Sơn, thiền sư Nguyễn Minh Không, Phật và Tiên. Khai sinh chùa Bái Đính là nơi thiền sư Nguyễn Minh Không chọn để xây dựng tượng Phật và là điểm tu hành sau này. Trước đó, tại đây đã có đền thờ thần Cao Sơn. Ngoài ra, địa điểm này còn được vua Đinh Tiên Hoàng lập đàn cầu tế mong đánh thắng giặc. 

Ngôi chùa gắn với nhiều chữ nhất

Quần thể chùa Bái Đính được coi là đệ nhất danh thắng tâm linh tại Ninh Bình, quần thể chùa không chỉ nắm giữ nhiều kỉ lục tại Việt Nam mà còn trên phạm vị Châu Á. 

  • Là chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á.
  • Có bức tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á
  • Hành lang La Hán dài nhất châu Á với chiều dài 3km.
  • Chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, 500 vị bằng đá xanh cao 2m.
  • Chuông đồng lớn nhất Việt Nam
  • Là quần thể chùa có cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam
  • Giếng ngọc lớn nhất trong các chùa ở Việt Nam

Ngoài ra, trước khi chùa Tam Chúc được khánh thành, Chùa Bái Đính được công nhận là ngôi chùa rộng nhất Việt Nam.

2. Thời điểm đẹp để đi chùa Bái Đính?

Du xuân đầu năm đi lễ chùa đã là phong tục của nước ta từ xa xưa do đó đầu xuân là thời điểm đẹp để đi chùa Bái Đính. Từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, tiết trời mùa xuân ấm áp, mát mẻ, thích hợp kết hợp thưởng ngoạn vãn cảnh chùa và cầu may đầu năm. Đặc biệt, thời điểm này cũng là lúc diễn ra nhiều lễ hội lớn ở Bái Đính. 

chùa bái đính 3

Ảnh: @nguyenquynh3047

Hội xuân chùa diễn ra từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là thời điểm chùa Bái Đính đón đông đảo du khách và phật tử khắp nơi đổ về. Nếu đi Bái Đính vào thời điểm này, bạn còn có cơ được chiêm ngưỡng các phần lễ với các nghi thức dâng hương và phần hội với các trò chơi dân gian độc đáo tại lễ hội xuân chùa Bái Đính.

Bất kỳ thời điểm nào trong năm, chùa Bái Đính cũng đều mang một vẻ đẹp riêng. Vì vậy, nếu không thích phải đông đúc, ồn ào vào mùa du lịch lễ hội cao điểm, bạn cũng có thể tham quan chùa vào những khoảng thời gian khác trong năm để khám phá và cảm nhận được nét thanh tịnh nguy nga của ngôi chùa giữa núi non hùng vĩ.

chùa bái đính 3

Ảnh: @mocicapassport

4. Di chuyển đến chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính cách trung tâm thành phố Ninh Bình 12km và cách Hà Nội tầm 95 km. Giao thông thuận tiện nên bạn có thể lựa chọn xe khách, taxi, ô tô riêng, xe máy hoặc tàu hỏa.

Di chuyển bằng xe khách: Từ Hà Nội có thể dễ dàng bắt các chuyến xe khách đi Ninh Bình từ các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, tần suất khoảng 20 phút là có một chuyến. Giá vé xe khách từ Hà Nội đến Ninh Bình khoảng tầm 80.000/người. Đến bến xe Ninh Bình, bạn có bắt xe bus hoặc taxi khoảng để tới khu chùa Bái Đính.

Di chuyển bằng xe máy: Bạn có thể lựa chọn đi xe máy nếu muốn tiết kiệm một phần chi phí và chủ động hơn. Bạn di chuyển theo Quốc lộ 1A đến trung tâm thành phố sau đó đi theo biển chỉ dẫn là đến Bái Đính rồi. Quãng đường di chuyển sẽ mất khoảng 3h.

chùa bái đính 4

Ảnh: @lucie_my

Di chuyển bằng tàu hỏa: Nếu muốn có trải nghiệm mới lạ, bạn cũng có thể lựa chọn đi tàu hỏa. Giá vé tàu khoảng 70.000đ - 120.000đ/người. Đến ga Ninh Bình, bạn có thể lựa chọn xe bus hoặc xe taxi để tiếp tục di chuyển đến chùa.

5. Chi phí tham quan tại Bái Đính

Dưới đây là một vài chi phí nhỏ khi tham quan quần thể Bái Đính bạn có thể tham khảo. 

  • Giá vé tham quan 
- Người lớn: 200.000 VNĐ/người lớn - Trẻ em dưới 1m: 100.000 VNĐ/người
  • Vé đi xe điện là 30.000đ/lượt, cả đi và về là 60.000đ. Khuôn viên của chùa rất rộng nên để tiết kiệm thời gian, bạn có thể lựa chọn xe điện để vào chùa.
  • Vé lên Bảo tháp Bái Đính là 50.000đ/ người
  • Dịch vụ thuê hướng dẫn viên là 300.000đ/tour dành cho Bái Đính mới, cả chùa mới và chùa cổ là 500.000đ
  • Giá vé đi đò: 150.000 VNĐ/ lượt;
  • Phí gửi ô tô: 40.000 VNĐ/ xe;
  • Phí gửi xe máy: 15.000 VNĐ/ xe. 
chùa bái đính 5

Ảnh: @blur_thur

6. Khám phá tổng thể kiến trúc chùa Bái Đính

Du khách đến tham quan chùa chắc chắn không khỏi trầm trồ về kiến trúc của quần thể này. Với địa thế tuyệt vời, không gian thiên nhiên núi gối đầu sông, mây vờn đỉnh núi, quần thể chùa càng trở nên uy nghi, lẫm liệt. Vào buổi tối, quần thể chùa như viên ngọc sáng lấp lánh, đa màu sắc. Bái Đính được xây dựng theo lối kiến trúc phân cấp từ thấp lên cao, biểu tượng cho ngon núi thiêng Tu Di, gồm 5 cấp theo đường chính đạo.

chùa bái đính 6

Ảnh: @benz.mind

Kiến trúc chùa nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng với màu sắc độc đáo từ các vật liệu địa phương như đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng và gỗ tứ thiết. Điểm ấn tượng nhất ở kiến trúc chùa là 3 tầng mái vòm mái nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam.

5. Những địa điểm tham quan đẹp tại Bái Đính 

Bái Đính cổ tự là một ngôi chùa cổ rất linh thiêng. Để tới được chùa Bái Đính cổ tự, bạn sẽ phải vượt qua 300 bậc đá, qua cổng Tam Quan ở lưng chừng núi. Khi lên hết dốc là đền thờ thánh Nguyễn, hai bên là Hang Sáng Động Tối thờ Phật và Tiên.

chùa bái đính 5

Ảnh: Chùa Bái Đính

Hang Sáng, Động Tối

Hang Sáng tại Bái Đính là nơi thờ Thần và Phật. Cái tên Hang Sáng là do trong hang có đầy đủ ánh sáng tự nhiên. Ngoài cửa hang là 2 vị thần uy nghiêm và sâu bên trong được đặt tượng Phật. Hang Sáng sâu 25 mét, rộng 15 mét và cao khoảng hơn 2m. Đi đến cuối hang bạn sẽ sang bên đền thờ thần Cao Sơn linh thiêng.

chùa bái đính 6

Ảnh: Sưu tầm

Động Tối là nơi đặt tượng thờ mẫu và các vị tiên. Bên trong động có các mảng đá nhũ thạch hình thành theo mạch nước ngầm, chính giữa động là giếng nước tự nhiên điều hòa không khí. Động Tối được bố trí hệ thống đèn chiếu sáng tạo ra một không gian huyền ảo. 

Giếng Ngọc

Giếng Ngọc là điểm nhấn nổi bật trong quần thể Bái Đính, đây cũng là giếng chùa lớn nhất Việt Nam với đường kính 30m và độ sâu khoảng 6m. Nước ở giếng Ngọc mang màu xanh ngọc bích mát mắt. Miệng giếng được bao xung quanh bởi lan can đá núi Đính, bốn góc là 4 lầu bát giác. Đứng từ trên đại điện nhìn xuống, bạn có thể thấy giếng Ngọc nổi bật giữa khuôn viên chùa rợp bóng cây xanh. 

Theo tương truyền, Thiền sư Nguyễn Minh Không đã dùng nước ở Giếng Ngọc để sắc thuốc chữa bệnh cho nhà vua và nhân dân. Nước giếng Ngọc trong, mát lành, thường được dùng làm nước cúng lễ tại chùa.

chùa bái đính 7

Ảnh: Sưu tầm

Đền thờ thần Cao Sơn

Đền thờ thần Cao Sơn thờ vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm, Đền thờ thần Cao Sơn được xây dựng từ thời nhà Đinh bằng chất liệu gỗ quý và đá xanh. Đền có Pho tượng thần bằng đồng mạ vàng được đặt ở phía trong đền khá nổi bật. 

chùa bái đính 7

Ảnh: Chùa Bái Đính

Đền thờ Đức Thánh Nguyễn

Ngôi đền có vị thế “tựa núi nhìn sông” thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, người đã thành lập chùa Bái Đính cổ. Ông chính là một thiền sư vang danh khắp nước Nam, được vua phong là Quốc sư và người dân tôn sùng là Đức thánh Nguyễn. Thiền sư Nguyễn Minh Không là vị cao tăng đầu tiên đặt nền móng Phật giáo, khai mở miền đất Phật và xây dựng tượng Phật ở đây.

Chùa Bái Đính với công trình kiến trúc tráng lệ thu hút hàng ngàn du khách gần xa mỗi năm. Hãy cùng theo chân Digiticket tìm hiểu các công trình thuộc khu chùa mới nhé! Ngoài ra còn một số khu vực vẫn đang được tiếp tục xây dựng và mở rộng như khu hồ Đàm Thị, công viên cây xanh.

chua bai dinh 8

Ảnh: Sưu tầm

Tháp Chuông Bái Đính

Nhắc đến công trình kiến trúc của quần thể chùa thì không thể bỏ qua Tháp Chuông. Tháp chuông là nơi lưu trữ chiếc Đại hồng chung và Trống đồng lớn nhất Việt Nam. Tháp chuông có hình dáng độc đáo tựa bông hoa sen, được xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ. 

chùa bái đính 8.1

Ảnh: Thạch Kim Châu Sanh

Hành lang La Hán

Một địa điểm mà bạn nhất định phải ghé thăm khi tham quan Bái Đính chính là hành lang La Hán. Đây là địa điểm được nhiều du khách yêu thích và lựa chọn lưu giữ những bức ảnh kỷ niệm khi tới thăm chùa. Sở hữu chiều dài lên đến 3km, hành lang La Hán được công nhận là hàng lang dài nhất Châu Á. Hành lang này bao gồm 234 gian nối liền hai đầu Tam Quan. Đi dọc hành lang, bạn sẽ được chiêm ngưỡng 500 vị La Hán với nhiều dáng vẻ, biểu cảm khác nhau được làm từ đá xanh nguyên khối.

chùa bái đính 9.1

Ảnh: Thạch Kim Châu Sanh

Điện Quan Âm

Đến quần thể Bái Đính, bạn đừng quên ghé thăm Điện Quan Âm, nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát để cầu sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình. Nơi đây được xây dựng gồm 7 gian, tượng Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt được đặt ở gian chính. Hoa văn kiến trúc trong điện thể hiện rõ nét văn hóa Phật giáo với các họa tiết hoa sen, hạc đồng.

chùa bái đính 10

Ảnh: Chùa Bái Đính

Tượng phật Di Lặc

Tượng Phật Di Lặc tại chùa cũng là một trong những bức tượng được ghi nhận kỷ lục Việt Nam. Tượng nặng cao 10m và nặng 80 tấn. Tượng Di Lặc tọa lạc trên đỉnh đồi cao nhất ngôi chùa, đây cũng là địa điểm tuyệt vời nếu muốn chiêm ngưỡng được toàn cảnh chùa Bái Đính.

chùa bái đính 11

Ảnh: Chùa Bái Đính

Tháp Xá lợi Phật

Bảo Tháp là nơi lưu giữ Xá lợi Phật từ Ấn Độ và Miến Điện. Tòa Bảo Tháp gồm 13 tầng với chiều cao lên đến 100m. thiết kế bên trong là 72 bậc thang leo. Công trình vĩ đại này được ghi nhận là tòa Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á.

chùa bái đính 12

Ảnh: @afani12

Ngoài các địa điểm nêu trên, quần thể chùa Bái Đính còn rất nhiều địa điểm để bạn ghé thăm. Nếu có thời gian, bạn nên ghé thăm hết các công trình trong quần thể chùa để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp linh thiêng, hoành tráng nơi đây nhé!

6. Một vài lưu ý khi đi chùa Bái Đính

Kinh nghiệm sắm lễ khi đi Chùa Bái Đính

Sắm lễ viếng chùa cầu an, cầu may mắn tài lộc tùy theo lòng thành tâm tuy nhiên khi sắm lễ dâng lên Phật bạn cũng nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chỉ dâng lễ chay: nhang, hoa quả, xôi. 
  • Hoa tươi: có thể là hoa huệ, hoa sen, mẫu đơn, hoa cúc, tránh các loại hoa tạp, hoa dại.
  • Không dâng vàng mã và tiền âm phủ. Tiền thật dâng lễ không nên để lên bàn thờ Tam Bảo hay nhét vào Phật.
chùa bái đính 8

Ảnh: Sưu tầm

Một vài lưu ý khi đi chùa Bái Đính

  • Nên chọn một đôi giày thể thao thoải mái vì bạn sẽ đi phải đi bộ khá nhiều. 
  • Lựa chọn trang phục phù hợp, bạn nên mang theo áo khoác vì khi lên cao nhiệt độ sẽ hơi lạnh
  • Khi đi chùa chuẩn bị trước tiền lẻ để công đức và quyên góp, cầu may cho bản thân, gia đình, bạn bè...
  • Nên mang theo ô phòng trường hợp mưa, nắng
  • Chú ý bảo quản tài sản cá nhân tránh các trường hợp bị móc túi.

Chùa Bái Đính không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh mà còn gắn liền với ý nghĩa lịch sử đầy tự hào vì vậy bạn nên ghé thăm chùa Bái Đính ít nhất một lần. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ cố thêm thông tin cho chuyến đi về với vùng đất cố đô.

Ảnh đại diện thuộc bản quyền: Sưu tầm

Xem thêm bài viết:

Đăng ký nhận khuyến mãi

© DIGITICKET 2024. All rights reserved.