Được mệnh danh là "chùa Thái Lan thu nhỏ" giữa đất Sài Gòn, chùa Bửu Long là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Có điều gì đặc sắc bên trong ngôi chùa này? Trong bài viết sau đây, Digiticket sẽ mang đến cho bạn tất tần tật những kinh nghiệm khi tham quan chùa.
1. Chùa Bửu Long Sài Gòn ở đâu?
- Địa chỉ: Số 81 Nguyễn Xiển - Phường Long Bình - Quận 9 - TPHCM
Chùa Bửu Long còn có tên là Thiền Viện Tổ Đình Bửu Long, nằm cách trung tâm Sài Gòn khoảng 20km. Đây là 1 trong 10 công trình kiến trúc Phật Giáo có thiết kế đẹp nhất thế giới do tạp chí National Geographic của Mỹ bình chọn. Bên cạnh đó, chùa Bửu Long cũng là một trong những chùa cầu duyên linh thiêng ở Sài Gòn vô cùng nổi tiếng.
Ảnh: sưu tầm
Ngoài chùa Bửu Long, tại Sài Gòn còn rất nhiều ngôi chùa đẹp và nổi tiếng linh thiêng. Bạn hãy dành thời gian để khám phá, đặc biệt trong dịp đầu xuân năm mới nhé:- Top 10 chùa đẹp ở Sài Gòn nổi tiếng linh thiêng nhất
2. Du lịch chùa Bửu Long quận 9 TPHCM có gì đặc sắc?
Không phải ngẫu nhiên mà chùa Bửu Long lại có sức hút du khách đến vậy. Bên cạnh vẻ đẹp trầm mặc, nguy nga, ngôi chùa này còn là nơi sinh hoạt tâm linh nổi tiếng Sài Gòn.
Lịch sử Tổ Đình Bửu Long
Chùa Bửu Long trước đây là một tịnh thất nhỏ do cư sĩ Võ Hà Thuật xây dựng vào năm 1942. Mãi đến năm 1958 nơi này được dâng cúng cho vị Tăng thống đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam - Hòa Thượng Hộ Tông. Ngôi chùa được mở rộng quy mô, làm mới và lấy tên chính thức là Thiền Viện Tổ Đình Bửu Long.
Ảnh: @shipped_away
Sau nhiều lần tu bổ, đến năm 2007 chùa Bửu Long cơ bản hoàn thiện. Ngôi chùa có chính điện, tổ đường, tăng xá, trai đường, Bồ Đề Phật Cảnh, tượng Phật nhập Niết Bàn và hang Bồ Tát Khổ Hạnh... Và cũng trong năm này chùa xây dựng thêm ngọn bảo tháp Gotama Cetiya.
Khám phá nét kiến trúc chùa Bửu Long độc đáo
Vinh dự góp mặt trong top 10 ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất thế giới, chùa Bửu Long còn được người dân Sài Gòn nhắc đến với cái tên thân thuộc là "chùa Thái Lan". Đứng từ xa bạn có thể dễ dàng nhìn thấy ngọn bảo tháp cao sừng sững nổi bật giữa nền trời xanh.
Ảnh: @tgiang_239
Ngôi chùa có vẻ đẹp độc đáo, vô cùng lộng lẫy. Giao thoa giữa phong cách kiến trúc của triều Nguyễn Việt Nam với phong cách kiến trúc Phật giáo Nam tông ở Đông Nam Á. Bao quanh khuôn viên chùa là những hàng cây già thẳng tắp kết hợp hài hòa với hồ nước hình bán nguyệt quanh năm trong xanh như ngọc.
Tọa lạc trên ngọn đồi có địa thế biệt lập, tầm nhìn hướng ra sông Đồng Nai nhưng khuôn viên chùa lại rất thanh tịnh, tạo nên khung cảnh thanh bình tựa chốn bồng lai. Du khách đến chùa không chỉ chiêm bái cầu nguyện mà còn là dịp chiêm ngưỡng những nét chạm trổ vô cùng tinh tế.
Check-in hồ nước hình bán nguyệt trước tòa bảo tháp
Nếu bạn là người yêu thích check-in thì không thể bỏ qua góc chụp 'thần thánh' tại hồ bán nguyệt. Hồ nước xanh ngọc, tĩnh lặng là điểm nhấn trong thiết kế của ngôi chùa. Từng chi tiết mang hơi thở của lối kiến trúc chùa chiền Việt Nam thời Nguyễn. Nổi bật với bức tượng hạc đứng trên lưng rùa được điêu khắc tinh xảo, sống động như thật.
Ảnh: @benghiane_2810
Tham quan Bảo tháp Gotama Cetiya
Bảo tháp Gotama Cetiya có độ cao 56m, rộng 2000 mét vuông với sức chứa lên đến 2000 người. Đây được xem là ngọn bảo tháp lớn nhất Việt Nam.
Gotama Cetiya gồm 1 tháp trung tâm cao 7 tầng và 4 tháp nhỏ (Đản Sinh, Thành Đạo, Pháp Luân và Niết Bàn). Tháp nhỏ có dáng hình chóp nhọn với phần mái được dát đồng thau, xung quanh chân tháp phủ sơn màu trắng tôn thêm vẻ đẹp thanh thoát, cổ kính.
Ảnh: @_ttt0701_
Riêng tháp trung tâm được trang trí cầu kì hơn. Có những bức phù điêu đắp nổi và đường nét trạm trổ hình rồng uốn lượn vừa trang trọng, khỏe khoắn lại vô cùng mềm mại. Khi đến đây, bạn đừng quên tham quan khu vực hội trường vô cùng bề thế tại tầng trệt và tầng 2. Tại tầng 3,4 là thiền đường và tầng 5 là nơi lưu giữ xá lợi Phật. Từ vị trí này bạn có thể dễ dàng phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn sông Đồng Nai hiền hòa.
Ảnh: @riviuapp
3. Đường đi chùa Bửu Long - chùa Thái Lan quận 9
Mặc dù nằm xá xa trung tâm thành phố nhưng đường đi đến chùa khá dễ tìm. Bạn có thế tham khảo 3 cách di chuyển sau đây.
Xuất phát từ Hầm Thủ Thiêm
Từ vị trí Hầm Thủ Thiêm bạn chạy thẳng đến Mai Chí Thọ. Từ đây bạn rẽ phải sang đường Nguyễn Thị Định khoảng 700m rồi quẹo trái vào hướng Nguyễn Duy Trinh. Khi chạy đến hết đường bạn sẽ thấy khúc giao với đường Nguyễn Xiến. Bạn tiếp tục chạy thẳng đến cuối đường rồi rẽ phải. Chùa Bửu Long cách đó khoảng 3km.
Ảnh: @circle_of_kurisu
Di chuyển từ Suối Tiên
Bạn đi men theo Xa Lộ Hà Nội đến ngã ba đường và rẽ phải. Sau khi đi thêm 1.5km bạn sẽ bắt gặp con đường Nguyễn Xiến. Từ đây bạn rẽ phải qua cầu Đồng Tròn, chạy thêm đoạn đường 700m là đến chùa Bửu Long.
Xuất phát từ ngã tư Thủ Đức
Từ ngã tư Thủ Đức bạn rẽ phải vào đường Lê Văn Việt, đến ngã ba Mỹ Thành. Tiếp theo rẽ phải về hướng Nguyễn Văn Tăng, chạy thẳng thêm khoảng 2km đi vào đường Nguyễn Xiển. Sau khi chạy ngang qua trường THPT Nguyễn Văn Tăng thêm 1km là đến được chùa Bửu Long.
Ảnh: @gody_travel
4. Một số lưu ý khi tham quan chùa Bửu Long Q9
Đến thăm viếng chùa Thái Lan quận 9 này, bạn cần chú ý:- Không mang nhang: Chùa Bửu Long nổi tiếng là "ngôi chùa không nhang khói" hơn 60 năm qua. Do đó bạn không nên mang theo nhang đèn khi đến thăm chùa.
- Mặc trang phục lịch sự: Mặc dù không đặt ra quá nhiều quy định về trang phục nhưng bạn hãy ưu tiên lựa chọn những bộ cánh đơn giản, kín đáo phù hợp với không gian tôn nghiêm, thanh tịnh.
Ảnh: @ng.h.ph.thao
- Giờ tham quan miễn phí: Chùa mở cửa tiếp đón du khách miễn phí vào hai khung thời gian từ 09:00 - 11:00 và 14:00 - 21:00. Nếu đến đây ngoài hai khung giờ này, bạn chỉ có thể tham quan khuôn viên xung quanh chùa. Do đó hãy sắp xếp lịch trình di chuyển sao cho hợp lý nhé.
Ảnh: @kirill.siro
Vào thời điểm thích hợp, hãy một lần đến tham quan chùa Bửu Long. Thư giãn trong không gian mát xanh và lắng nghe tiếng chuông gió trên bảo tháp để cảm thấy yêu đời hơn.
Khám phá những ngôi chùa linh thiêng khác tại Sài Gòn:- Chùa Vĩnh Nghiêm nổi tiếng Sài Gòn ở đâu, có gì độc đáo?
- Khám phá Chùa Bà Thiên Hậu quận 5 – Ngôi chùa linh thiêng cổ kính nhất Sài Gòn
Ảnh đại diện: hanoimoi