Welcome to Digiticket

Home Kinh nghiệm Du lịch Sài Gòn Lăng Ông Bà Chiểu: Chốn tâm linh cổ kính nhất Sài Thành

Lăng Ông Bà Chiểu: Chốn tâm linh cổ kính nhất Sài Thành

Ngày đăng : 17/01/2024
Một số lưu ý nhỏ giúp chuyến thăm Lăng Ông Bà Chiểu thêm phần trọn vẹn. Đừng bỏ qua nhé
Nội dung chính

Nhắc tới TP.Hồ Chí Minh nhiều du khách sẽ nghĩ ngay tới Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà,  Địa Đạo Củ Chi,...Đây đều là những địa điểm du lịch nổi tiếng được nhiều khách du lịch ghé thăm nhất. Nhưng liệu bạn có biết, nơi đây cũng sở hữu địa chỉ tâm linh nổi tiếng - Lăng Ông Bà Chiểu “cầu bình an, thấy bình an” chưa. Cùng Digiticket tìm hiểu ngay nhé!

1. Lăng Ông Bà Chiểu nằm ở đâu?

  • Địa chỉ: số 1 Vũ Tùng, Phường 3, Quận Bình Thạch, TP. Hồ Chí Minh
  • Giờ mở cửa: 7h - 17h.

Lăng Ông Bà Chiểu là một trong những công trình văn hoá tâm linh cổ xưa nhất, ẩn mình ngay trung tâm Sài Gòn phồn thịnh. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, nơi đây đã chứng kiến biết bao thăng trầm và đổi thay của thành phố.

lang ong bà chieu 2

Ảnh: Sưu tầm

Lăng Ông Bà Chiểu có tên gọi chính xác là Thượng Công miếu, được ghi bằng chữ Hán ở cổng Tam quan. Đây chính là lăng thờ Thượng Quốc công Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) - vị tướng Tổng trấn thành Gia Định xưa. 

lang ong bà chieu 15

Ảnh: Sưu tầm

Sau này, mọi người thường quen gọi khu di tích là Lăng Ông Bà Chiểu bởi theo tục lệ ngày xưa, việc gọi thẳng tên sẽ là “phạm huý”. Vậy nên, người dân gọi là “Lăng Ông”. Bên cạnh đó ngôi miếu tọa lạc giữa 4 con đường lớn: Đinh Tiên Hoàng, Trịnh Hoài Đức, Phan Đăng Lưu, Vũ Tùng. Trên một gò đất cao ngay sát bên chợ Bà Chiểu. Lâu dần, người dân đã ghép 2 từ “Lăng Ông chợ Bà Chiểu” thành “Lăng Ông Bà Chiểu” để chỉ lăng thờ của Thượng Quốc công Tả quân Lê Văn Duyệt.

2. Huyền thoại về cuộc đời tả quân Lê Văn Duyệt

Theo sử sách xưa, Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 tại Trà Lọt (nay là Định Tường tỉnh Tiền Giang). Vị quân sư, tướng quân tài ba này đã có công rất lớn đối với triều đình nhà Nguyễn. Phục vụ trung thành dưới 2 triều vua: Vua Minh Mạng và Vua Gia Long.

lang ong bà chieu 18

Ảnh: Sưu tầm

Tuy nhiên, vào năm 1835, dưới thời Vua Minh Mạng, đã xảy ra vụ biến loạn thành Phiên An. Kết cục là Lê Văn Duyệt bị buộc tội che chở quân phỉ đảng, gây nên biến loạn. Thời điểm này, ông đã mất, Vua Minh Mạng ra lệnh san bằng ngôi mộ, dựng lên bia đá được khắc 8 chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” - chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội. 

lang ong bà chieu 14

Ảnh: Sưu tầm

Mãi đến năm 1841 vào đời vua Thiệu Trị, Tả quân Lê Văn Duyệt mới được minh oan, bia đá được dẹp bỏ, mộ ông được đắp lại cao hơn và rộng hơn. Và đến ngày 06/12/1989, toàn bộ khu Thượng Công miếu được Bộ Văn Hoá công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc Gia.

3. Lăng Ông Bà Chiểu: Biểu tượng Sài Gòn một thuở

Lăng Ông Bà Chiểu là quần thể khu đền và ngôi mộ của Thượng Quốc Công Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ ông là bà Đỗ Thị Phận. Khu di tích đồng thời là công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của miền Nam Bộ. 

lang ong bà chieu 6

Ảnh: Sưu tầm

Toàn bộ lăng miếu tọa lạc trên một khu đất rộng, cao với tổng diện tích lên tới 18.500m2. Bao quanh lăng là bức tường cao 1.2m, dài 500m với 4 cổng hướng ra 4 con đường: Đinh Tiên Hoàng, Trịnh Hoài Đức, Phan Đăng Lưu, Vũ Tùng.

Ngoài ngôi mộ của Lăng Ông và vợ, Thượng Công miếu còn có hai ngôi mộ của 2 cô hầu ở bên ngoài khuôn viên lăng. Một mộ ở đường Trịnh Hoài Đức và một mộ ở đường Đinh Tiên Hoàng. 

lang ong bà chieu 19

Ảnh: Sưu tầm

Ít ai biết rằng, trước năm 1975 hình ảnh cổng Tam quan với 2 cây thốt nốt bên cạnh Lăng Ông Bà Chiểu đã từng được chọn là biểu tượng của Sài Gòn (miền nam). Cùng với đó là tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ, biểu tượng cho Huế (miền trung).  Và chùa Một Cột - chùa Diên Hựu, biểu tượng cho Hà Nội (miền bắc).

4. Nét kiến trúc cung đình Huế giữa Sài Gòn

Trải qua hơn 200 năm, Lăng Ông Bà Chiểu vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cung đình Huế. Các chạm khắc đá, chạm khắc gỗ, những bức tượng nhỏ và tranh được khảm bằng sành sứ có giá trị cao về cả lịch sử lẫn nghệ thuật.

lang ong bà chieu 8

Ảnh: Sưu tầm

Từ những mảnh sành sứ vỡ vụn các nghệ nhân xưa đã khéo léo chọn và sắp xếp chúng, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động. Điển hình là bức "Long mã phụ đồ" trên tường khu tiền điện. Hay bức phù điêu khắc hình cá chép hóa rồng chiến đấu với chim được trang trí ở trên miếu thờ - thể hiện tinh thần đấu tranh, vượt qua khó khăn để hướng tới tương lai tốt đẹp.

lang ong bà chieu 20

Ảnh: Sưu tầm

Lăng Ông Bà Chiểu có 4 cổng, trong đó cổng chính (còn gọi là cổng Tam Quan) ở phía Nam mở ra đường Vũ Tùng. Phía trên cổng là dòng chữ Hán, dịch ra nghĩa là “Thượng Công miếu”. Từ cổng Tam quan, du khách có thể thấy rõ trục kiến trúc của lăng gồm: Nhà bia, lăng mộ Tả quân và vợ, miếu thờ.

lang ong bà chieu 12

Ảnh: Sưu tầm

Nhà bia là nơi đặt bia đá để ghi nhớ công ơn của Tả quân Lê Văn Duyệt. Nơi đây được xây dựng như 1 ngôi điện nhỏ với tường lát gạch và mái ngói âm dương. Trước bia đá là đôi hạc vàng cưỡi rùa, tượng trưng cho âm dương bình hành, luôn hỗ trợ lẫn nhau giữa muôn loài.

lang ong bà chieu 5

Ảnh: Sưu tầm

Mộ phần Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ Đỗ Thị Phẫn là nơi có giá trị kiến trúc cổ nhất khu di tích.  Hai ngôi mộ được đặt song song, có cấu tạo và hình dáng giống nhau, như con rùa đang nằm yên nghỉ. Bao quanh lăng mộ là bức tường dày bằng đá ong, thông trực tiếp ra sân đốt nhang đèn. 

lang ong bà chieu 10

Ảnh: Sưu tầm

Khu miếu thờ còn được gọi là Thượng Công Linh Miếu, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt. Miếu thờ bao gồm 3 gian: Tiền điện, Trung điện, Chính điện. Ba gian nói trên đều có kết cấu khác nhau, vật liệu khác nhau nhưng mang đậm nét kiến trúc truyền thống Việt Nam.

lang ong bà chieu 9

Ảnh: Sưu tầm

5. Một số trải nghiệm tại Lăng Ông Bà Chiểu

Đến với di tích này du khách có thể tham gia các hoạt động văn hóa sau đây.

Tham gia lễ khai hạ cầu an

Bên cạnh các hoạt động tham quan, chiêm bái, du khách tới Lăng Ông Bà Chiểu có thể tham gia lễ khai hạ cầu an và xem hát bội tuồng đầu năm mới. Sự kiện này không những thu hút người dân địa phương mà còn đông đảo du khách tứ xứ về dự hội. Hầu như ai đến Lăng Ông Bà Chiểu cũng để cầu sức khỏe, bình an hay tình duyên đôi lứa. 

lang ong bà chieu 7

Ảnh: Sưu tầm

Chụp ảnh cùng áo dài

Gợi ý nhỏ là không gian tĩnh lặng mang một chút hơi thở cổ kính tại Lăng Ông Bà Chiểu rất thích hợp chụp với những tà áo dài truyền thống. Chỉ cần chỉ cần 1 chiếc máy ảnh hay điện thoại, cùng chụp góc rộng là bạn đã thu vào cả một khung cảnh tuyệt đỉnh tại chốn linh thiêng này.

lang ong bà chieu 13

Ảnh: Sưu tầm

Một số góc check in đẹp ngút ngàn mà du khách không nên bỏ lỡ như cổng Tam quan, bức “Long mã phụ đồ”... Hãy lưu ý tạo dáng phù hợp với cảnh quan nhé!

lang ong bà chieu 16

Ảnh: Sưu tầm

6. Lưu ý khi tới tham quan Lăng Ông Bà Chiểu

Dù ghé thăm bất cứ địa điểm du lịch tâm linh nào nói chung hay Lăng Ông Bà Chiểu nói riêng thì bạn cần lưu ý một số điều sau. 

  • Chuẩn bị đồ cúng đơn giản, không cần quá cầu kỳ và phức tạp. 
  • Lựa chọn những bộ trang phục gọn gàng, lịch sự với những màu sắc trang nhã như vàng, trắng, nâu,… Hạn chế mặc váy, áo có cổ rộng hay hở hang. 
  • Nếu bạn muốn diện một chút để có những bức hình check in đỉnh cao thì có thể lựa chọn áo dài hay váy dài. Nên ưu tiên những bộ váy đơn giản, dài qua đầu gối. 
  • Chú ý đi nhẹ, nói khẽ, tránh làm ảnh hưởng đến khung cảnh thanh tịnh và những du khách thăm quan khác.
  • Để điện thoại ở chế độ im lặng và không gây ồn ào.
  • Không tùy tiện chạm vào bất cứ đồ vật gì trong lăng miếu.

lang ong bà chieu 11

Ảnh: Sưu tầm

Lăng Ông Bà Chiểu là một điểm đến lý tưởng cho dịp đầu năm để cầu bình an, sức khoẻ, may mắn cho gia đình. Hãy ghé thăm địa danh “nức tiếng” này khi đến với Sài Gòn bạn nhé.

Xem thêm:

Ảnh đại diện: sưu tầm

Đăng ký nhận khuyến mãi

© DIGITICKET 2024. All rights reserved.