Văn Miếu Quốc Tử Giám là danh thắng đẹp nhất định bạn phải đến khi ghé qua Hà Nội. Văn Miếu có lịch sử lâu đời, mang nhiều nét đẹp văn hóa rất tuyệt vời để tham quan. Dưới đây là những kinh nghiệm tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám cho bạn tham khảo nhé!
1.Xác định vị trí của Văn miếu Quốc Tử Giám
- Địa chỉ: 58 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
Văn Miếu Quốc Tử Giám nằm ngay giữa trung tâm thành phố Hà Nội, là địa điểm du lịch bạn không nên bỏ qua khi ghé thăm thủ đô. Văn Miếu cổ kính nằm giữa lòng Hà Nội hàng năm thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước ghé qua tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa.
Ảnh: @secret.hanoi
Văn Miếu được xem là một trong những di tích, thắng cảnh đẹp của Hà Nội. Bên cạnh những thắng cảnh như Hồ Gươm, Lăng Bác, chùa Một Cột, Nhà Hát Lớn, Đền Ngọc Sơn…, Văn Miếu Quốc Tử Giám là một phần không thể thiếu của mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ảnh: @fishpymuch.amz
2. Phương tiện di chuyển đến Văn Miếu
Là điểm tham quan nổi tiếng, đường đến Văn Miếu Quốc Tử Giám rất dễ dàng. Bạn có thể chọn phương tiện ô tô, xe máy, xe bus để di chuyển. Nếu bạn là sinh viên thì hãy chọn các tuyến số: 02, 23, 32, 38, 41. Trong đó:- Tuyến xe buýt số 2: Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa.
- Tuyến xe buýt số 23: Tuyến vòng khép kín Nguyễn Công Trứ - Nguyễn Công Trứ.
- Tuyến xe buýt số 32: Bến xe Giáp Bát- Nhổn
- Tuyến xe buýt số 38: Nam Thăng Long - Mai Động
- Tuyến xe buýt số 41: Nghi Tàm - BX Giáp Bát.
Ảnh: @leethoa152
3.Tìm hiểu lịch sử xây dựng Văn miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên ở nước ta, được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1070. Ban đầu, dưới thời vua Lý Thánh Tông, nơi đây là chốn thờ Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối. Đến năm 1076, dưới thời vua Lý Nhân Tông, tiến hành mở rộng thêm Quốc Tử Giám và cho phép các con của vua và con của các triều thần, gia đình quý tộc vào học. Đến giai đoạn vua Trần Thái Tông lên nắm quyền, tiến hành đổi tên thành Quốc học viện, cho phép con cái của dân thường có học lực giỏi, xuất sắc vào theo học.
Ảnh: @qakalous
Tới thời hậu Lê, vua Lê Thánh Tông cho phép xây dựng các bia đá ghi công của những người thi đỗ Tiến sĩ. Đến thời kì nhà Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập thêm ở kinh thành Huế và Văn Miếu Thăng Long được đổi tên thành Văn Miếu Trấn Bắc Thành, về sau mới có tên là Văn Miếu Hà Nội.
Văn Miếu Quốc Tử Giám thể hiện tinh thần hiếu học của dân tộc ta. Trên bia Tiến sĩ không chỉ vinh danh những người tài của đất nước mà còn nhắc nhở truyền thống hiếu học, cống hiến cho nước nhà. Tổng cộng có 1304 vị Tiến sĩ được lưu danh, trong đó có rất nhiều danh nhân như: Lương Thế Vinh, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trực, Ngô Sĩ Liên….
Ảnh: @khoamom91
Hiện nay, Văn Miếu Quốc Tử Giám là địa chỉ du lịch nổi tiếng. Hàng năm, Văn Miếu thường xuyên tổ chức các hoạt động, đón tiếp hàng nghìn sinh viên, học sinh trong nước đến dâng hương thể hiện tinh thần khuyến học, tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài, hiếu học của đất nước.
Ảnh: @12.1_t
4.Kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám có gì đặc biệt?
Văn Miếu – Quốc Tử Giám có tổng khuôn viên khoảng 54.331 m2, được chia làm các công trình kiến trúc khác nhau. Cổng Tam quan của Văn Miếu có dòng chữ Hán tự “Văn Miếu Môn”. Bên trong gồm các công trình: Văn Miếu môn, Hồ Văn, Khuê Văn Các, Đại Trung môn, Đại Thành môn, giếng Thiên Quang, nhà Thái học, Bia Tiến sĩ….
Văn Miếu được xây dựng chủ yếu theo kiến trúc Nhà Nguyễn với bố cục đối xứng từng khu, từng lớp. Đặc biệt kiến trúc này được xây dựng theo kiểu mẫu mô phỏng Văn miếu thờ Khổng Tử ở Trung Quốc, tuy nhiên được tối giản nhiều hơn và đan xen các lối hoa văn của dân tộc Việt.
Ảnh: @tranggnhungg0405
Trước Văn Miếu là hồ Văn Chương, còn gọi là Thái Hồ, ở giữa là gò Kim Châu. Giữa gò còn có lầu để ngắm cảnh.
Khu vực nhà giảng dạy được xây dựng ở phía Tây và phía Đông của khuôn viên, bao gồm 14 gian. Các phòng học của Tam xá có 3 dãy, mỗi dãy gồm 25 gian.
Khuê Văn Các được thiết kế hài hòa, với kiến trúc 4 trụ gạch vuông, phía bên trên có tầng gác nhỏ, hoa văn gỗ rất đẹp. Phần mái gói được lợp theo 8 lớp, có cả mặt mái phẳng và gờ mái. Bên phải Khuê Văn các là Bi Văn Môn, bên trái là Súc Văn Môn chỉ lối vào khu bia Tiến sĩ.
Ảnh: @_k.quy_
Khu bia Tiến sĩ có nhiều tấm bia đá, bên trên ghi danh các vị thi đỗ Tiến sĩ, Bảng nhãn, Thám hoa, Trạng nguyên…. Các bia đá được đặt trên lưng rùa đá. Tổng số lượng là 82 tấm bia ghi danh các khoa thi trong giai đoạn từ 1442 đến 1779. Đây được coi là hiện vật quý nhất được lưu giữ tại Văn Miếu.
Ảnh: @phuongga612
Khu trung tâm Văn Miếu gồm có Bái đường, tiếp đến là Thượng Cung. Nơi đây thờ tự Khổng Tử và Nhan Tử, Tử Tư, Tăng Tử, Mạnh Tử.
Khu nhà Thái Học được hoàn thiện lại từ năm 1999. Bên trong có Tiền đường, Hậu đường, nơi thờ tự Lý Nhân Tông, Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông và Chu Văn An.
Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của Việt Nam mà còn là nơi lưu giữ truyền thống hiếu học của đất nước. Hiện nay, Văn Miếu thường xuyên tổ chức các sự kiện như Hội thơ, Chương trình khen tặng các học sinh xuất sắc... Dịp đầu năm mới, Văn Miếu đón rất nhiều người đến xin chữ với niềm tin sẽ có một năm may mắn, tốt lành.
Ảnh: @emily_khanh
5.Giá vé thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám
Giá vé vào Văn Miếu đang duy trì là 30.000 đồng/ vé người lớn và 15.000 đồng/ vé học sinh, sinh viên; miễn phí vé cho trẻ nhỏ dưới 15 tuổi. Mức giá này áp dụng cho cả khách trong nước và nước ngoài.
Ảnh: @kyla190790
6.Lưu ý khi đi Văn Miếu Quốc Tử Giám
- Hiện nay, Văn Miếu mở cửa vào 7h30 - 17h30 (mùa hè) và từ 8h00 - 17h30 (mùa Đông).
- Khi đến thăm quan, bạn vui lòng mua vé ở cổng và tuân thủ các nội quy của Văn Miếu.
- Bạn nên tôn trọng các di tích, không có các hành vi xâm hại hiện vật, cảnh quan.
- Bạn nên mặc trang phục gọn gàng, sạch sẽ, không nên mặc đồ ngắn khi ghé qua các Điện thờ.
- Thực hiện các hành vi có văn hóa, không gây mất trật tự an ninh, dâng lễ và thắp hương đúng quy định.
- Tất cả các hoạt động quay phim trong di tích phải được sự cho phép của Ban quản lý.
Ảnh: @thunhii.95_
Văn Miếu Quốc Tử Giám đã trường tồn cùng với thời gian, trải qua nhiều biến cố lịch sử của đất nước nhưng vẫn là một biểu tượng đẹp về tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Mong rằng những chia sẻ của Digiticket sẽ giúp bạn có chuyến đi khám phá vui vẻ nhất.
Bài viết bạn quan tâm:- Cẩm nang du lịch Hà Nội tự túc mới và chi tiết nhất (full)
- Chùa Trấn Quốc: Ở đâu? Giờ mở cửa? Kinh nghiệm tham quan