Ghé thăm mảnh đất cố đô Hoa Lư Ninh Bình mà không dừng chân tại chùa Duyên Ninh thì chắc chắn là một thiếu sót lớn. Bạn có biết đây là một trong những ngôi chùa cầu duyên linh thiêng và nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Hãy cùng Digitiket.vn tìm hiểu nhé!
1. Đôi nét về Chùa Duyên Ninh
Chùa Duyên Ninh là một ngôi chùa cổ tuyệt đẹp của mảnh đất cố đô Ninh Bình. Trước đây, ngôi chùa này còn được gọi với cái tên là chùa Thủ, đây còn là một trong số ít những ngôi chùa cổ còn tồn tại đến ngày nay. Ngôi chùa tọa lạc tại thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Ngôi chùa nằm trong khu di tích cố đô Hoa Lư cũng chính là vũng lõi của Quần thể Danh thắng Tràng An. Thế nên, ngôi chùa nằm khá gần nhiều điểm thăm quan nổi tiếng của Ninh Bình. Theo dân gian lưu truyền, ngôi chùa được mệnh danh là một trong những ngôi chùa cầu duyên cực linh thiêng tại Việt Nam. Vậy nên, người dân địa phương và du khách ngoài ghé nơi đây cầu bình an còn cầu cho đường tình duyên của mình thuận lợi, sớm gặp được "ý chung nhân".
Ảnh: @clementbrz
2. Lịch sử của ngôi chùa cổ này
Duyên Ninh là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh - Tiền Lê, nghĩa là vào khoảng thế kỷ X. Theo dân gian tương truyền, đây là nơi công chúa Lê Thị Phất Ngân con gái của vua Lê Đại Hành đã hẹn ước và lên duyên vợ chồng cùng tướng công Lý Công Uẩn. Sau đó, nơi đây cũng là nơi đã hạ sinh ra hoàng tử Lý Phật Mã (sau là vua Lý Thái Tông) vào năm 1000.
Cuối đời, Hoàng hậu Phất Ngân đã về đây tu hành và trông coi mộ phần của thân phụ là Hoàng đế Lê Đại Hành. Tại đây, hoàng hậu cũng đã "se duyên" cho nhiều đôi lứa thành đôi. Có lẽ vì vậy, Duyên Ninh trở thành ngôi chùa cầu duyên ở Cố đô Hoa Lư. Ngoài ra, chùa Duyên Ninh còn là nơi thờ tự và cầu tự cho nhiều cặp đôi hiếm muộn trong chuyện con cái.
Ảnh: Chùa Duyên Ninh
3. Nét kiến trúc độc đáo của chùa Duyên Ninh
Ngôi chùa này đã trải qua lịch sử hơn 1000 năm nên những nét kiến trúc cổ đã gần như không còn nữa. Hơn hết, ngôi chùa còn trải qua vài lần trùng tu và sửa chữa. Lối kiến trúc hiện tại được thiết kế theo phong cách giản dị, chỉ bao gồm các khu vực như chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn, vườn cây và tháp xá lợi.
Ngay từ cổng vào, du khách đã thấy sự tỉ mỉ và cầu kỳ trong cách thiết kế. Trên các vòm mái hay mái đình đều được điêu khắc những họa tiết cầu kỳ với độ khó cao cùng với đó là sự sắc sảo và tinh tế trong từng hoa văn. Đặc biệt, ngôi chùa "tựa lưng" vào núi nên bầu không khí và không gian ngập trong hơi thở thiên nhiên, thoáng mát và trong lành.
Ảnh: @phuc_kimtergram
>>> Khám phá thêm: 10 ngôi chùa Ninh Bình sở hữu kiến trúc tuyệt đẹp
4. Phương tiện di chuyển đến chùa
Chùa Duyên Ninh nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 10km. Thế nên, du khách có thể lựa chọn di chuyển theo nhiều phương tiện kể cả phương tiện công cộng hay cá nhân. Tuy nhiên để thuận tiện và thăm thú được nhiều điểm du lịch khác, bạn nên di chuyển bằng các phương tiện cá nhân như ô tô hay xe máy.
Ngoài ra, bạn cũng có thể di chuyển bằng xe buýt hay taxi với nhiều điểm dừng khá gần chùa. Tuy nhiên, bạn sẽ khó làm chủ chuyến đi của mình và phải phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan bên ngoài. Đặc biệt là phải tốn thời gian chờ xe buýt và taxi đến mới có thể di chuyển được.
Ảnh: Sưu tầm
>>>Bí kíp cho bạn: Danh sách 12 xe khách Hà Nội Ninh Bình uy tín nhất
5. Đi chùa Duyên Ninh cầu duyên như thế nào?
Khi đến chùa Duyên Ninh cầu duyên, bạn hoàn toàn có thể đi lễ theo thành ý của mình vì dù cầu bất cứ điều gì thì thành tâm vẫn luôn quan trọng nhất. Dưới đây là một số những lễ vật mà bạn có thể tham khảo để chuẩn bị trước các đồ lễ. Ngoài ra, nếu bạn cẩn thận hơn thì có thể hỏi ý kiến của những người dân địa phương để sắm lễ sao cho chu đáo và phù hợp nhất.
- Hoa quả: Bạn có thể tùy chọn hoa quả theo mùa trong năm và ưu tiên chọn những loại hoa quả có màu sắc sặc sỡ như màu vàng, màu xanh, màu đỏ,...
- Trầu cau: Thông thường thì sẽ cần 1 quả cau và 3 lá trầu
- Các loại bánh: Bánh chưng và bánh dày mỗi loại một cái, bánh xu xê cần một đôi với ý nghĩa se duyên, thành đôi với nhau
- Tiền vàng: Nên có 5 lễ
Ảnh: Sưu tầm
6. Những địa điểm thăm quan nức tiếng gần chùa Duyên Ninh
Để giúp chuyến thăm quan ngôi chùa "cầu duyên" này thêm phần thú vị thì Digiticket sẽ gợi ý với bạn một số điểm du lịch khá gần với chùa để giúp chuyến hành trình đặc sắc hơn.
Chùa Bái Đính (6,4km)
Nhắc tới Ninh Bình, nhiều người sẽ nhớ ngay đến chùa Bái Đính - một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh cực nổi tiếng. Chùa Bái Đính còn nằm trên cung đường di chuyển để đến với chùa Duyên Ninh Ninh Bình nên rất thuận tiện cho nhiều du khách muốn ghé thăm nhiều điểm thăm quan.
Ngôi chùa có khuôn viên rộng lên đến 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80ha khu chùa Bái Đính mới. Nhìn tổng thể, lối kiến trúc của Bái Đính được xây dựng theo lối kiến trúc chùa cổ ở Việt Nam. Từng nét họa tiết hay điêu khắc của chùa đều thiết kế tỉ mỉ đến từng chi tiết và cực sắc xảo.
Ảnh: @bboyunderdog
Nhất là phần mái chùa chính điện được thiết kế vô cùng đẹp với 3 tầng 12 mái được lợp mái theo hình mũi hài truyền thống. Bậc thêm được trang trí rồng đá theo kiểu dáng thời Lý, sân đá rộng nhìn thẳng xuống giếng ngọc. Đến với Bái Đính, du khách sẽ được thăm quan nhiều địa điểm đặc sắc như hang sáng, động tối, giếng Ngọc, chuông đồng lớn nhất Việt Nam,...
Ảnh: @monicaspassport
Khu du lịch sinh thái Tràng An (7,2km)
Chùa Duyên Ninh nằm giữa chùa Bái Đính và khu du lịch sinh thái Tràng An nên rất thuận tiện cho du khách thăm quan. Khu du lịch sinh thái Tràng An sở hữu những giá trị nổi bật về nhiều lĩnh vực như địa chất, khảo cổ, thẩm mỹ,... nên nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế Giới.
Toàn cảnh khu sinh thái là một vùng núi non hùng vĩ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền các hang động, các thung lũng hoang sơ, tuy kỳ bí nhưng lại đẹp đến lạ thường. Thế nên, để thăm quan được hết khu du lịch sinh thái này thì thường du khách sẽ được đi bằng các con thuyền, đò nhỏ. Du khách sẽ được cảm nhận cảm giác lênh đênh trên mặt nước tĩnh lặng, miên man trữ tình.
Ảnh: @vietnamlocaladventures
Ngoài ra, ghé thăm nơi đây, du khách sẽ được trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc, khám phá cội rễ xa xăm của sự sống nhân loại, tận hưởng vẻ đẹp thuần khiết cùng bầu không khí thanh lọc và tự hào với những nét vàng son của lịch sử đằng sau những thế núi hào hùng. Tại khu du lịch, du khách sẽ được khám phá các địa điểm như đền Trình, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu, đền Trần,...
Ảnh: @cun.ccf
Đền Vua Đinh Tiên Hoàng (3,2km)
Đây được biết đến là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ đồng thời Vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông cùng các con trai và bài vị của các tướng triều đình nhà Đinh. Đền Vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng theo lối kiến trúc "nội công ngoại quốc" và được xây dựng trên nền cung điện kinh đô Hoa Lư xưa.
Đền thờ đã cải tạo vào những năm gần đây, nhưng ngôi đền vẫn bảo tồn và giữ lại được nét kiến trúc thời Nguyễn cổ đặc trưng nhất. Khu đền thờ gồm 3 toà là Tiền bái, Trung đường và Chính tẩm. Tiền bái gồm 5 gian được xây dựng theo lối kiến trúc "chồng rường bằng gỗ lim, tường hồi bít đốc". Trung đường gồm 3 gian, theo lối kiến trúc kiểu mê toàn, nghĩa là toàn bộ hệ thống hoành nằm trên các mê kèo. Tòa Chính tẩm gồm 2 gian chính và 1 gian dĩ, xây dựng theo kiểu thượng rường hạ mê.
>>> Gợi ý bạn đọc: Tìm hiểu về đền vua Đinh vua Lê Ninh Bình
Ảnh: Sưu tầm
Động Am Tiên (4,3km)
Có lẽ sẽ rất ít người biết đến địa danh này, Động Am Tiên đúng như cái tên của mình, mang một vẻ đẹp "tuyệt tình cốc" khiến nhiều du khách phải "say mê". Nơi đây vừa sở hữu vẻ đẹp rắn rỏi, hùng vĩ, lại vừa mềm mại, nhẹ nhàng. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh thiên nhiên tráng lệ với những núi đá trùng trùng điệp điệp, xen kẽ nhau tạo thành một vùng trời riêng.
Tiếp theo, là dòng sông nước xanh ngọc, tuyệt đẹp, có lẽ vì vậy mà nơi đây được đặt cho một cái tên "mỹ miều". Đặc biệt nhất, động Am Tiên còn sở hữu cổng thành đá - nơi lưu giữ những dấu ấn rõ nét nhất của một thời kỳ lịch sử đầy huy hoàng. Những vách đá vững chãi, to lớn cùng với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử cổ kính đã mở ra trước mắt du khách một không gian cổ xưa đầy hoài niệm.
Ảnh: @vietnamtravel_vn
7. Những chú ý khi đi chùa Duyên Ninh cầu duyên
Chùa Duyên Ninh là một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh, thế nên, nơi đây sẽ rất trang nghiệm và lịch sự. Vì vậy, khi đi lễ cầu duyên tại chùa thì bạn nên lưu ý một số vấn đề nhỏ sau:
- Dù đi cầu duyên ở bất cứ ngôi chùa nào thì đều cần sự thành tâm hướng Phật và hơn hết là không đặt quá nặng vấn đề có cầu được hay không.
- Nên lựa chọn những bộ trang phục lịch sự và nhã nhặn với những màu sắc trang nhã như trắng, vàng, nâu,... Hạn chế mặc váy, áo có cổ rộng hay áo bó sát. Nếu mặc váy thì nên lựa chọn những chiếc váy có chiều dài qua đầu gối.
- Tại không gian linh thiêng của chùa, bạn nên nói năng nhẹ nhàng, không gây tranh cãi hay hiềm khích với người khác. Hơn hết, không có những lời nói xúc phạm hay những hành động không đứng đắn
Ảnh: @e.m.oi
Trên đây là những thông tin về ngôi chùa Duyên Ninh ở Ninh Bình "nức tiếng" mà Digiticket muốn giới thiệu với bạn. Tết đã cận kề rồi, nếu bạn nào ngồi yên cả năm mà tình yêu vẫn chưa tìm tới thì còn ngại gì mà không chuẩn bị đồ lễ tới chùa se duyên cho bản thân nào.
Ảnh đại diện thuộc bản quyền của @phoebethudinh
Bài viết bạn quan tâm:
- Chùa Bích Động ở đâu? Cẩm nang khám phá ngôi chùa cổ kính
- Khám phá chùa Vàng Ninh Bình nổi tiếng linh thiêng
- Chùa Non Nước Ninh Bình – Vẻ đẹp tâm linh giữa thiên nhiên hùng vĩ