Welcome to Digiticket

Home Kinh nghiệm Du lịch Huế Ghé thăm Văn Miếu Huế - nền kiến trúc cổ xưa độc đáo

Ghé thăm Văn Miếu Huế - nền kiến trúc cổ xưa độc đáo

Ngày đăng : 17/01/2024
Văn Miếu Huế là địa danh được du khách lựa chọn cho bộ ảnh mang phong cách cổ xưa của mình. Với nền lịch sử qua bao đời, kiến trúc độc đáo.
Nội dung chính

Nếu tại Hà Nội có Văn Miếu Quốc Tử Giám - trường Đại học đầu tiên tại Việt Nam. Thì tại xứ Huế mộng mơ cũng sở hữu Văn Miếu Huế. Một địa điểm đã trải qua hàng trăm năm với dấu ấn cổ kính đã in sâu trong từng phiến đá, từng ngóc ngách kiến trúc. Và đây cũng là địa danh được các bạn trẻ ghé tới vào mỗi dịp thi cử. Với mong muốn đỗ đạt với thành tích cao và được lưu danh trên bảng Vàng. Cùng Digi tìm hiểu về địa danh này. 

1. Giới thiệu đôi nét về Văn Miếu Huế

Văn Miếu Huế hay còn được biết đến với tên gọi khác là Văn Thánh Huế hay Văn Thánh Miếu. Được chính thức xây dựng vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long tại Thừa Thiên - Huế. Văn Miếu được biết đến như là nơi ghi danh của 293 bậc tiến sĩ. Được khắc rõ ràng tên, tuổi và quê quán lên hơn 30 tấm bia đá được đặt ngay gần cổng.

Trong đó, bạn có thể dễ dàng nhận thấy có những tên tuổi nổi tiếng và có công lớn với đất nước. Phải kể đến những cái tên như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thượng Hiền, Tống Duy Tân. Ngoài ra, Văn Miếu còn là nơi thờ cúng linh thiêng của Khổng Tử và các vị hiền triết khác là Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử và Mạnh Tử, Thập Nhị Triết. Đây đều là các bậc thánh hiền tài có công trong việc xây dựng và phát triển đạo Nho thời bấy giờ.

Ảnh: @whereizhanhan

2. Di chuyển đến Văn Miếu như thế nào?

Văn Miếu Huế toạ lạc tại đường Văn Thánh, huyện Hương Hồ, xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với vị trí đặc địa nằm ngay bên dòng sông Hương Giang thơ mộng, đầy nét trữ tình, mềm mại. Và chỉ cách trung tâm thành phố Huế có hơn 5 km nên khá thuận tiện và dễ dàng trong việc đi lại.

Bạn có thể lựa chọn nhiều phương tiện khác nhau để di chuyển đến Văn Miếu. Có thể chọn di chuyển bằng xe máy khá thuận tiện và làm chủ về mặt thời gian. Ngoài ra, dễ dàng dừng chân và thăm thú các địa điểm trên quãng đường đến Văn Miếu Huế. Hoặc thuê ô tô sẽ phù hợp với nhóm bạn bè hay gia đình đông đúc.

Ảnh: @nguoitotbungxinhdep_

Và cung đường nhanh nhất để di chuyển từ trung tâm thành phố đến Văn Miếu là chạy dọc theo hướng con đường Đặng Thái Thân. Sau đó, du khách đi hết đường rồi rẽ trái vào Yết Kiêu, chạy xe thêm một đoạn rồi rẽ trái vào Lê Duẩn. Cuối cùng, đi dọc theo con sông Hương và dừng chân tại Văn Miếu.

Ảnh: @hueprivatecars

>>> 6 điểm cho thuê xe tự lái Huế uy tín, giá hợp lý, nhiều lựa chọn

3. Lịch sử hình thành Văn Miếu Huế từ xa xưa

Văn Miếu Huế đã trải qua lịch sử hàng trăm năm với nhiều lần di dời. Đầu tiên, khi các chúa Nguyễn bắt đầu tiến hành khai phá phương Nam thì lúc này, Văn Miếu đã được xây dựng tại làng Triều Sơn, xã Phú Xuân. Sau đó, năm 1770, Định Vương Nguyễn Phúc Khoát quyết định dời Văn Miếu đễn xã Long Hồ. Đến thời nhà Nguyễn, vua Gia Long xây dựng miếu mới tại xã Hương Trà. Còn ngôi miếu cũ thì được giữ lại làm Khải Thánh Từ - nơi thờ cúng cha mẹ của Khổng Tử.

Ngôi miếu mới được vua Gia Long tiến hành và ra lệnh xây dựng từ ngày 17 tháng 4 năm 1808. Và chỉ mất hơn 5 tháng để hoàn thiện và chuẩn bị các đồ tự khí mới để thờ cúng. Tuy nhiên, suốt thời vua Gia Long trị vì, triều đình nhà Nguyễn chỉ tổ chức các khoa thi hương - khoa thi liên tỉnh 3 năm mới tổ chức 1 lần đề tuyển chọn người tài cho đất nước. Nên thời đấy, chưa có tấm bia tiến sĩ nào được dựng tại đây. Phải đến thời Minh Mạng, mở khoa thi hội nên mới bắt đầu dựng bia tiến sĩ.

Ảnh: @duyhoa_vonguyen

Trải qua những biến cố lịch sử cũng như thời gian, Văn Miếu Huế đã nhiều lần tu sửa và xây dựng các công trình mới. Các lần tu sửa rơi vào các năm: 1818, 1820, 1840, 1895 và năm 1903.

Ảnh: @lakki_

4. Nét kiến trúc Văn Miếu có gì đặc sắc?

Nhiều người lựa chọn du lịch Huế vì những công trình kiến trúc đầy cổ kính. Và Văn Miếu chắc chắn cũng không phải là một ngoại lệ. Ngoài vẻ cổ kính, Văn Miếu còn nổi bật lên đó là vẻ hoang sơ, đầy dấu ấn của thời gian.

Đặt chân vào bên trong sân của Văn Miếu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 32 bia rùa. Đây đều là những minh chứng cho tên tuổi của những người thi đỗ tiễn sĩ thời xưa. Để bảo quản và lưu giữ những bia rùa, nhân dân ta đã xây dựng lên các mái hiên đầy chắc chắn.

Tảng đá lịch sử

Và đi dọc xuống cuối, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hai bia đá có ý nghĩa to lớn. Đó là bia của vua Minh Mạng viết về việc Thái Giám không được liệt vào hàng quan lại. Bia đá thứ hai là của Hiền Tổ Chương Hoàng Đế (tức vua Thiệu Trị) nhắc về việc họ hàng bên ngoại của nhà Vua không được tham gia vào việc hành chính.

Ảnh: @huge.beetle

Tại Văn Miếu Huế, bạn có thể thăm quan nhiều công trình kiến trúc lớn với phong cách thiết kế độc đáo và mới lạ. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn phải kể đến Cổng Đại Thành Môn. Đây là công trình còn sót lại và vẫn giữ nguyên được những nét nổi bật của kiến trúc cung đình ngày xưa.

Với cách thiết kế đầy hoành tráng đã thể hiện được sự khéo léo và mới lạ của cách xây dựng thời xưa. Những hàng rêu mọc kín cổng là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện được vẻ cổ kính. Và là một phần để khẳng định sự tồn tại lâu đời, hiên ngang của Cổng Đại Thành Môn.

Ảnh: Sưu tầm

Điện thờ Khổng Tử

Và một địa điểm thăm quan nữa mà du khách không thể bỏ qua chính là ngôi điện thờ Khổng Tử. Được biết đến với tên gọi là Đại Thành Điện. Một ngôi điện đầy nguy nga với chiều dài lên đến khoảng 32m và chiều rộng 25m. Đặc biệt, ngôi điện được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống mang đậm vẻ đẹp của Huế lúc bấy giờ. Đó là nét kiến trúc trùng thiềm điệp ốc của Huế.

Tại đây, du khách có thể nhìn ngắm dòng sông Hương đầy thơ mộng, trữ tình từ Cửa Linh Tinh Môn. Được xây dựng đầy chắc chắn với 4 trụ được xây bằng gạch. Trên tấm biển tại Cửa, du khách sẽ trông thấy dòng chữ Đạo Tại Lưỡng Gian mang ý nghĩa là đạo giữa trời đất, mặt bên trong có 4 chữ Trác Việt Thiên Cổ có nghĩa là vượt cao ngàn xưa. Đây như là một lời gửi gắm, nhắc nhở và muốn dân chúng luôn lưu giữ đạo lý này qua nhiều thế hệ. Bước vào bên trong, ngước nhìn phía trên, du khách sẽ phải ngỡ ngàng với cách trang trí pháp lam vô cùng nổi bật.

Ảnh: @lqa92

5. Những lưu ý khi du lịch Văn Miếu Huế 

Văn Miếu Huế là một công trình kiến trúc còn sót lại và được người dân nơi đây dốc sức gìn giữ. Thế nên, khi thăm quan nơi đây, bạn không nên có những hành động làm ảnh hưởng hay gây tổn hại đến những công trình kiến trúc còn sót lại. Và lưu ý không nên khắc lên bia đá vì sẽ làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cũng như giá trị lịch sử.

Nơi đây cũng là điểm thăm quan cổ kính nên bạn cũng cần phải chú ý đến vấn đề ăn mặc, không nên mặc những bộ đồ quá nổi bật. Ngoài ra, dù đến bất cứ địa điểm thăm quan nào nhất là các điểm mang tính lịch sử thì bạn nên chú ý đến vấn đề môi trường. Tránh xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến mỹ quan.

Ảnh: @smlxl.hue

Trên đây là những thông tin về Văn Miếu Huế mà chúng mình muốn gửi đến cho bạn. Hy vọng với những chia sẻ này sẽ giúp ích trong chuyến hành trình khám phá Huế lần này của bạn nhé!

Bài viết bạn quan tâm:
Đăng ký nhận khuyến mãi

© DIGITICKET 2024. All rights reserved.